PV Báo NNVN đã có cuộc trò chuyện với bà Nguyễn Thị Thanh Thủy, Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về vấn đề này.
Phải chăng chúng ta vốn có truyền thống chậm trễ rồi nên chậm thêm tí cũng chẳng sao với cây trồng biến đổi gen?
Hiện nay, chúng ta chưa tạo ra được cây trồng biến đổi gen, chưa có kinh nghiệm trong lĩnh vực này nên vừa làm vừa nghiên cứu học hỏi kinh nghiệm vừa hoàn thiện hành lang pháp lý. Với sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, sự cố gắng của các bộ, ngành, sự tham gia tích cực của các cơ quan chuyên môn và các nhà khoa học, tôi nghĩ chúng ta đã triển khai được nhiều việc…
Bộ TN-MT đã ban hành Thông tư số 08/2013/TT-BTNMT ngày 16/5/2013 quy định trình tự, thủ tục cấp và thu hồi giấy chứng nhận an toàn sinh học đối với cây trồng biến đổi gen; Bộ NN-PTNT đã ban hành Thông tư số 02/2014/TT-BNNPTNT ngày 24/1/2014 quy định trình tự, thủ tục cấp và thu hồi giấy xác nhận thực vật biến đổi gen đủ điều kiện sử dụng làm thực phẩm, thức ăn chăn nuôi.
Về hành lang pháp lý chúng ta đã có các văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) cần thiết nhất, còn lại thông tư về quy định thu, quản lý và sử dụng phí thẩm định hồ sơ, tôi nghĩ rằng các bộ được phân công sẽ sớm hoàn thiện (trên thế giới, một số nước có thu phí thẩm định và có nước không thu phí thẩm định hồ sơ).
Khi mà chúng ta chưa hoàn thiện được hệ thống văn bản QPPL về an toàn sinh học thì còn băn khoăn, nhưng hiện nay hành lang pháp lý cơ bản đã hoàn thành thì chắc việc triển khai ứng dụng chỉ còn là những thủ tục hành chính theo quy định.
Bài học hành lang pháp lý khiến cho Bayer quyết định chuyển trung tâm nghiên cứu khoa học ở Đức sang Mỹ, quyết định dừng thương mại hóa sản phẩm biến đổi gen ở châu Âu có liên hệ gì với hoàn cảnh ở Việt Nam? Ta so với các nước trong khu vực có phải là quá chậm trễ, thưa bà?
So với một số nước trong khu vực, Việt Nam có những bước cân nhắc thận trọng bởi chúng ta đang từng bước hoàn thiện về nguồn lực (hành lang pháp lý, năng lực quản lý, giám sát…). Nhưng xét về tổng thể thì để ứng dụng công nghệ một cách bền vững chúng ta cần xem xét nhiều yếu tố.
Các nhà tạo ra công nghệ luôn mong muốn công nghệ mình tạo ra được ứng dụng nhanh nhất, đấy là tâm lý chung, nhưng vẫn phải tuân thủ các quy định hiện hành. Khi văn bản quy phạm pháp luật chưa hoàn thiện thì phải kiên trì.
Hy vọng nhen nhóm
Bà có thể nói về tờ trình Chính phủ cho mô hình trình diễn cây trồng biến đổi gen?
Bộ NN-PTNT đã triển khai khảo nghiệm hạn chế và diện rộng (ở bốn vùng sinh thái) một số sự kiện ngô biến đổi gen. Các sự kiện ngô này, trước khi đưa vào Việt Nam đăng ký khảo nghiệm đã được trồng và sử dụng làm thực phẩm, thức ăn chăn nuôi ở nhiều nước trên thế giới.
Khảo nghiệm kết thúc, Bộ NN-PTNT đã đánh giá và công nhận kết quả khảo nghiệm của các sự kiện ngô biến đổi gen. Hiện nay các công ty đã gửi hồ sơ đăng ký cấp giấy chứng nhận an toàn sinh học (Bộ TN-MT).
Trao đổi kinh nghiệm và tính ưu việt của các giống ngô biến đổi gen, được trồng khảo nghiệm trên vùng đất đồi của huyện Mộc Châu (Sơn La)
Trong thời gian chờ Bộ TN-MT cấp giấy chứng nhận an toàn sinh học, Bộ NN-PTNT trình Chính phủ xem xét cho phép triển khai mô hình trình diễn các giống ngô này ở một số vùng trồng ngô trọng điểm với mục đích sớm ứng dụng vào thực tiễn, nâng cao nhận thức, hiểu biết và chia sẻ thông tin với cộng đồng về cơ sở khoa học và hiệu quả của công nghệ.
Mỗi mô hình sẽ khoảng 2 ha tại 6 tỉnh: Sơn La, Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Đắk Lắk, Bà Rịa-Vũng Tàu và Đồng Tháp. Nếu được Chính phủ cho phép, Bộ NN-PTNT sẽ triển khai các thủ tục pháp lý để các công ty làm thủ tục nhập giống (quy trình nhập mất khoảng 1 tháng) theo quy định hiện hành và dự kiến đầu tháng 4 sẽ triển khai, vừa hay đúng thời vụ ngô.
Kim ngạch nhập ngô, đậu tương của VN gần như ngang bằng kim ngạch xuất khẩu gạo. Dư luận kỳ vọng vào cây trồng biến đổi gen để đổi thay điều này. Vậy sau trình diễn cây biến đổi gen sẽ là gì?
Chúng ta phải nhìn nhận vấn đề dựa trên cơ sở khoa học, công nghệ biến đổi gen là thành quả của khoa học, công nghệ sinh học hiện đại. Đây là một công nghệ với sự kế thừa từ kết quả của rất nhiều công trình nghiên cứu trong một giai đoạn dài.
Tuy nhiên, trong lĩnh vực chọn tạo giống cây trồng công nghệ chuyển gen là công cụ, hay nói đúng hơn là công nghệ hỗ trợ đắc lực để giúp tạo ra giống với tính trạng mới nhanh hơn, hiệu quả hơn và mang những đặc tính mà con người mong muốn khi mà chọn giống truyền thống không tạo ra được hoặc tạo ra nhưng chậm hơn rất nhiều.
Thường đối với các giống ngô biến đổi gen, công nghệ tạo ra những sự kiện mang gen mới trên một nền di truyền nào đó (giống ngô mang gen chuyển), sau đó bằng phương pháp lai tạo backcross truyền thống (có chọn lọc nhanh bằng hỗ trợ của chỉ thị phân tử) các nhà chọn giống chuyển các gen mới, gen mục tiêu này sang một giống ngô nền đã và đang trồng trên các vùng sinh thái khác nhau.
Vì vậy, nhiều quốc gia dựa trên nguyên lý: sau khi sự kiện biến đổi gen được cấp giấy chứng nhận an toàn sinh học và giấy xác nhận đủ điều kiện sử dụng làm thực phẩm, thức ăn chăn nuôi nếu gen đó được đưa vào giống đã được cơ quan quản lý có thẩm quyền công nhận bằng lai truyền thống thì giống mang sự kiện chuyển gen sẽ được thương mại như giống nền, không xem xét và yêu cầu khảo nghiệm, công nhận lại.
Tác động tức thời
Vai trò của cây trồng biến đổi gen ra sao trong việc tái cơ cấu cây trồng?
Bộ NN-PTNT đang khuyến khích trồng ngô và đậu tương, vì chúng ta nhập khẩu rất nhiều ngô và đậu tương cho TĂCN. Tuy nhiên đậu tương không phải là cây VN có lợi thế, hơn thế nguồn đậu tương biến đổi gen chưa có giống phù hợp với điều kiện sinh thái ở VN. Nhiều giống ngô lai truyền thống đã được thương mại hóa ở VN. Nếu chúng ta áp dụng cây trồng biến đổi gen có thể phần nào tăng được sản lượng, khuyến khích chuyển đổi, mở rộng diện tích trồng ngô.
Tuy nhiên, việc tác động nhiều hay ít một phần còn phụ thuộc vào mức độ chấp nhận, lựa chọn công nghệ của nông dân. Sau khi được chấp thuận thương mại hóa tại VN việc lựa chọn các vùng trọng điểm, phù hợp để tính trạng mới phát huy được hiệu quả cao nhất sẽ đóng vai trò quan trọng.
Lúc này các tổ chức chủ sở hữu công nghệ phải phối hợp với các cơ quan liên quan, có chiến lược rất chi tiết để chuyển giao công nghệ có hiệu quả, mang lại lợi nhuận cao hơn cho nông dân, như vậy mới bền vững.
Xin cảm ơn bà!
Theo NNVN