Ông Geoff Morris, nhà nghiên cứu tại Đại học bang Kansas cho biết: “Đây là nghiên cứu đầu tiên ghi nhận rằng những dấu hiệu đặc trưng của bộ gien quy định sự thích nghi ở cây trồng có thể giúp xác định các giống cây có thể sinh trưởng tốt nhất dưới các áp lực nhất định như hạn hán hoặc đất bị nhiễm độc”.
Các nhà nghiên cứu đã tiến hành nghiên cứu với lúa miến, một trong những cây ngũ cốc lâu đời nhất và được trồng rộng rãi nhất trên thế giới. Lúa miến được trồng ở châu Phi và châu Á cũng như ở một số vùng đất khắc nghiệt nhất trên thế giới. Hơn 43.000 giống lúa miến trên thế giới đã được thu thập và lưu trữ trong ngân hàng gien cây trồng.
Morris cho biết: “Trong khi lúa miến được trồng ở một số vùng có khí hậu khắc nghiệt nhất trên thế giới, con người vẫn cần phải tiếp tục tăng sản lượng lúa miến và khả năng phục hồi của cây trong môi trường khắc nghiệt vì gần nửa tỷ người phụ thuộc vào cây lúa miến như một nguồn lương thực chủ yếu. Chúng tôi muốn cây trồng quan trọng này đạt mức sản lượng cao hơn”.
Lấy mẫu từ các ngân hàng gien cây trồng, Morris và các đồng nghiệp tại Đại học Cornell và Viện Nghiên cứu cây trồng quốc tế vùng nhiệt đới bán khô cằn ICRISAT đã thu thập các thông tin di truyền trong hệ gien của khoảng 2.000 giống lúa miến. Mỗi giống lúa miến được trồng ở các khu vực khác nhau ở châu Phi hay Ấn Độ. Các nhà nghiên cứu hiện đã có thể gắn kết các khác biệt về gien của mỗi loại xét trên khả năng sinh tồn trong một môi trường cụ thể.
Với dữ liệu này, Morris và đồng nghiệp Jesse Lasky từ Viện Trái đất của Đại học Columbia đã có thể vạch ra dấu hiệu thích ứng với môi trường của từng loại giống. Dấu hiệu này phản ánh các giống khác nhau từ khắp nơi trên thế giới đã thích nghi với những căng thẳng trong môi trường như thế nào, chẳng hạn như hạn hán và tình trạng các kim loại độc hại trong đất.
Nhóm nghiên cứu sau đó tạo ra tình trạng khô hạn cho giống lúa miến trên cánh đồng để kiểm tra xem việc phân tích bộ gien có thể giúp dự đoán xem các giống cây có thể tiếp tục phát triển mạnh trong điều kiện hạn hán hay không. Nhóm nghiên cứu đã thử phản ứng hạn hán ở hàng trăm giống lúa miến khác nhau tại ICRISAT ở Ấn Độ và tại Đại học Texas ở Austin. Dữ liệu cho thấy các dấu hiệu di truyền đặc trưng giúp xác định giống cây đó có khả năng làm những gì trong tình trạng căng thẳng về môi trường.
Các nhà nghiên cứu đưa những kết quả này vào một cơ sở dữ liệu nhằm mục đích giúp các nhà nhân giống lúa miến với nguồn lực hạn chế ở các nước đang phát triển có thể dự đoán tốt hơn về các giống lúa miến có thể phát triển mạnh trong môi trường khắc nghiệt.
Morris nói: “Việc phân tích bộ gien sẽ không bao giờ thay thế được thử nghiệm trên cánh đồng, nhưng nó có thể giúp chúng tôi xác định các giống và các gien hữu ích để tăng khả năng chịu đựng các yếu tố căng thẳng về môi trường. Chúng tôi hy vọng rằng phương pháp này sẽ giúp chúng tôi phát triển các giống cây mới cho nông dân ở các vùng đất trồng trọt có điều kiện khắc nghiệt nhất trên thế giới”.