1. Thông tin chung về khu DTSQ
Tên đầy đủ: Khu dự trữ sinh quyển thế giới đất ngập nước liên tỉnh ven biển châu thổ Sông Hồng
Tên ngắn gọn: khu DTSQ Sông Hồng
Địa điểm trụ sở BQL:
Vị trí địa lý: Khu DTSQ Sông Hồng có tổng diện tích là 105.557 ha, nằm trên địa bàn thuộc 6 huyện: Thái Thụy, Tiền Hải (tỉnh Thái Bình); Giao Thủy, Hải Hậu, Nghĩa Hưng (tỉnh Nam Định) và Kim Sơn (tỉnh Ninh Bình).
Ý nghĩa của biểu tượng: là vùng đất ngập nước ven biển, nên màu chủ đạo của logo là màu xanh nước biển. Khu DTSQ Sông Hồng là nơi kiếm ăn, di trú của nhiều loài chim nước và chim di cư. Trong số đó, Cò thìa được coi là loài chỉ thị môi trường. Thời điểm khu DTSQ Sông hồng được công nhận, số lượng loài này chỉ khoảng 2.000 cá thể trên toàn thế giới, nên đã đưa hình ảnh Cò thìa – tượng trưng cho các loài chim nước và chim di cư của toàn vùng vào biểu tượng.
3. Các giá trị đa dạng sinh học nổi bật
Khu DTSQ có giá trị đa dạng sinh học cao với 222 loài chim, trong đó bao gồm 166 loài di cư, hơn 50 loài chim nước và có 9 loài nằm trong sách đỏ quốc tế như: Cò thìa mặt đen, Rẽ mỏ thìa, Cò trắng Trung quốc, Mòng bể mỏ ngắn, Choắt chân màng lớn… Số lượng chim có lúc có thể đạt 30.000 đến 40.000 cá thể. Vườn quốc gia Xuân Thủy, vùng lõi của khu DTSQ châu thổ sông Hồng hiện là nơi duy nhất ở Việt Nam có thể quan sát được Cò thìa mặt đen và Mòng bể mỏ ngắn. Vào thời gian cao điểm của năm, số lượng Cò thìa mặt đen tại đây đạt tới 26% tổng số cá thể loài trên toàn thế giới. Với những giá trị và tiềm năng to lớn đó thì năm 1989 vùng đất ngập nước Xuân Thủy đã chính thức tham gia công ước Ramsar, đây là công ước về bảo tồn các vùng đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế, đặc biệt là nơi cư trú của các loài chim nước.
Khu DTSQ châu thổ sông Hồng có 205 loài thực vật bậc cao có mạch, trong đó có 20 thích nghi với điều kiện ngập mặn hình thành lên hệ thống rừng ngập mặn rộng hàng ngàn ha. Rừng ngập mặn nơi đây đóng vai trò quan trọng trong việc phòng chống thiên tai, gió bão, thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng và là lá chắn an toàn để bảo vệ hệ thống đê biển góp phần ổn định cuộc sống nhân dân vùng ven biển 3 tỉnh Nam Định, Thái Bình, Ninh Bình. Rừng ngập mặn còn là ngôi nhà nơi ươm giống, sinh sản và cung cấp thức ăn cho nhiều loài thủy sản, đồng thời tạo sinh kế bền vững cho cộng đồng cư dân ven biển từ các hoạt động nuôi trồng và khai thác thủy sản, nuôi ong lấy mật, phát triển du lịch sinh thái.
Giá trị của việc bảo vệ rừng ngập mặn và đất ngập nước được xác nhận bởi sự có mặt của hơn 500 loài động thực vật phù du và nhuyễn thể. Nhiều loài trong số đó là những ấu trùng hoặc thức ăn cho các loài có giá trị kinh tế cao như tôm, cua, sò, ngao. Đây là khu vực nuôi ngao được xếp vào loại hàng đầu cả nước với sản lượng ổn định trên 12.000 tấn cho thu hoạch hàng trăm tỷ đồng góp phần tích cực thay đổi kinh tế cho cộng đồng vùng đệm và vùng chuyển tiếp của khu DTSQ Sông Hồng.
Các loại hệ sinh thái chính:
+ Bãi triều lầy có rừng ngập mặn: là khu vực bãi triều có thảm rừng ngập mặn phát triển mạnh trên nền bùn nhuyễn, bùn cát; tập trung ở khu triều giữa và triều cao, nơi có thời gian ngập nước khi triều cường trong ngày.
Hệ sinh thái bãi triều lầy có rừng ngập mặn là môi trường thuận lợi cho quần xã động vật đáy trú ngụ, sinh sản và phát triển. Đây cũng là môi trường sống của nhiều loài chim nước và chim định cư.
Hình 1. Bãi triều lầy có rừng ngập mặn
+ Bãi triều lầy không có rừng ngập mặn
Bãi triều lầy không có rừng ngập mặn thường bằng phẳng, ngập nước thường xuyên vào những ngày nước cường, chỉ được phơi cạn vào kỳ nước kém. Nền đáy là cát bột, bùn cát hoặc bùn sét. Hệ sinh thái này là môi trường phát triển cho nhiều loài động vật đáy như: Hàu, các loài ốc, giáp xác có Sẳng (còng đỏ , còng vuông )…
Phần lớn diện tích bãi triều không có rừng ngập mặn đang được sử dụng để nuôi ngao thương phẩm. Hoạt động này đã và đang tạo sinh kế ổn định và mang lại nguồn thu nhập lớn cho cộng đồng địa phương, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội tại khu vực.
Kiểu hệ sinh thái này cũng là nơi kiếm ăn của hầu hết các loài chim nước, đặc biệt đây là các loài chim nước nguy cấp, quý, hiếm.
Hình 2. Bãi triều không có rừng ngập mặn
+ Dải cát ven bờ
Dải cát ven bờ (Cồn Lu, Cồn Xanh, Cồn Vành, Cồn Thủ, Cồn Thoi, Cồn Nổi ) được hình thành từ các nguồn bồi tích sông đưa ra kết hợp với dòng chảy ven bờ và sóng di chuyển chạy song song với bờ và thường bị ngập khi thuỷ triều lên. Đây là khu vực có dải rừng phi lao phát triển đồng thời cũng là môi trường phát triển của muống biển và trảng cây bụi, cây dây leo.
Kiểu hệ sinh thái này là nơi trú ngụ, sinh sản của nhiều loài thân mềm 2 mảnh vỏ có giá trị bảo tồn và giá trị kinh tế cao như: Móng tay, sam, ngao dầu, ngao vân,… và là nơi tập trung kiếm ăn của nhiều loài chim nước di cư.
Đối tượng nuôi trồng chủ yếu là tôm, cá, cua và rau câu kết hợp; nuôi theo hình thức quảng canh cải tiến (nguồn nước cấp, thoát theo chế độ thuỷ triều qua các cửa cống, bổ sung con giống). Hoạt động nuôi trồng này đã và đang mang lại nguồn thu nhập ổn định cho cộng đồng địa phương, mức thu nhập dao động từ 20 – 30 triệu đồng/ha/năm.
Thảm thực vật rừng ngập mặn trong các đầm nuôi trồng thủy sản thường ít đa dạng về thành phần loài, cây có chiều cao thấp, sinh khối nhỏ. Đây là nơi trú ngụ, kiếm ăn chính của các loài chim nước, đặc biệt là các loài chim nước nguy cấp, quý, hiếm như: Cò thìa, Vị đầu đen, Choắt chân màng lớn, Choắt mỏ thẳng đuôi đen….
+ Sông nhánh lạch triều
Toàn khu có rất nhiều sông nhánh và lạch triều. Đây là nơi trú ngụ, sinh trưởng của các loài động vật đáy có thân mềm: Ốc vân, Ốc gạo; giáp xác có họ Tôm he, họ Cua bơi… và là nơi phân bố của nhiều loài loài cá nguy cấp, quý, hiếm và có giá trị kinh tế cao. Vùng bờ bãi ven sông, lạch cũng là nơi kiếm ăn của các loài chim nước tại khu vực.
+ Vùng nước cửa sông (sông Hồng, sông Sò, Sông Ninh Cơ, Sông Đáy)
Kiểu hệ sinh thái này có sự đa dạng về thành phần loài với nhóm sinh vật nổi phát triển trong tầng nước và các quần xã động vật đáy sinh sống. Quần xã động vật đáy bao gồm: họ tôm he, họ cua bơi, họ cua rạm; ốc gạo, Ốc mút, hàu cửa sông,…
+ Ruộng lúa nước
Đây là kiểu hệ sinh thái nông nghiệp do con người tạo lên, thường phân bố bên trong đê.
Hệ sinh thái ruộng lúa nước có hệ thuỷ sinh vật nước ngọt đặc trưng và có vai trò quan trọng trong việc duy trì, đảm bảo an ninh lương thực cho cộng đồng địa phương tại khu DTSQ.
4. Các giá trị văn hóa nổi bật
– Canh tác lúa nước
Vùng đất ngập nước ven biển khu DTSQ sông Hồng tiêu biểu cho nền văn hóa mở đất của cư dân ven biển vùng đồng bằng châu thổ Sông Hồng và là một trong những cái nôi của nền văn minh lúa nước. Trải qua nhiều năm phát triển, cộng đồng địa phương đã tạo lập nên những làng quê trù phú, mộc mạc ven biển.
– Những nét sinh hoạt văn hóa truyền thống:
Trong quá trình lao động sản xuất và mở rộng đất đai, người dân nơi đây đã sáng tạo ra những hình thức sinh hoạt văn hóa độc đáo như Chèo cổ, Chầu văn, bơi chải, múa lân, chọi gà hay đấu vật…, Các công trình kiến trúc độc đáo của cư dân vùng đồng bằng châu thổ Sông Hồng (Nhà bổi, nhà thờ, nhà chùa…) cùng tập quán sinh hoạt thường nhật của cộng đồng cũng đã tạo ra những sắc thái riêng cho vùng quê ven biển để tạo lên sự hấp dẫn của khu DTSQ.
– Nhà bổi:
Người dân ven biển đã kiến thiết những ngôi nhà bình dị, mộc mạc, sử dụng nguyên liệu sẵn có và đặc trưng vùng miền để sinh sống, đồng thời có khả năng thích nghi với thời tiết khắc nghiệt của vùng ven biển. Người dân sử dụng những thân cói loại, cói xấu – gọi là bổi, không thể dùng dệt chiếu để lợp mái. Những ngôi nhà mái bổi có độ dày từ 1,2-1,5m giúp cho ngôi nhà có thể chênh lệch với nhiệt độ bên ngoài từ 2-3OC, mùa hè thì mát và mùa đông thì ấm. Hiện nay, các ngôi nhà bồi truyền thống không còn nhiều, một số ngôi nhà bổi còn tồn tại đều đã được cải hoán để phù hợp với cuộc sống sinh hoạt trong thời buổi kinh tế thị trường.
– Tôn giáo:
Vùng đệm khu DTSQ là nơi giao thoa chủ yếu của Phật giáo và Thiên chúa giáo. Vùng đất này là nơi du nhập Thiên chúa giáo đầu tiên của nước ta. Sự giao thoa của 02 nền tôn giáo đã tạo ra những nét văn hóa đặc trưng cho khu vực; cộng đồng lương giáo sống chan hòa, tình cảm trong mối quan hệ tình làng nghĩa xóm. Các công trình kiến trúc độc đáo của phật giáo và thiên chúa giáo có sự kế thừa, pha trộn giữa kiến trúc gothic và kiến trúc phật giáo đã và đang là điểm nhấn của kiến trúc trong khu vực.
5. Một số mô hình phát triển kinh tế xã hội nổi bật
– Mô hình nuôi ong lấy mật
Nghề nuôi ong khai thác mật đã và đang trở thành thế mạnh đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân trong khu DTSQ. Hàng năm từ cuối tháng 4 đến tháng 7 có khoảng 20.000 đàn ong được người dân mang vào đây để thu hoạch mật hoa sú vẹt với sản lượng dự kiến 200 tấn/năm. Để tăng thu nhập cho người dân, phát huy tiềm năng thế mạnh của rừng, phát triển các sản phẩm thế mạnh địa phương, sản phẩm mật ong rừng ngập mặn của khu DTSQ Sông hồng đang được nghiên cứu, áp dụng công nghệ nhằm nâng cao giá trị và tăn thu nhập cho cộng đồng nuôi ong. Tại khu vực Nam Định, sản phẩm “Mật ong rừng sú vẹt VQG Xuân Thủy” đã xây dựng thương hiệu,c ó chỉ dẫn địa lý và được công nhận là sản phẩm OCOP đạt chứng nhận 3 sao.
– Khai thác thủy sản tự nhiên
Khai thác thủy sản thủ công dưới tán rừng ngập mặn là nghề đem lại nguồn thu nhập đáng kể cho cộng đồng ven biển. Vào lúc cao điểm có khoảng 500 người vào khai thác, thời gian khai thác tập trung chủ yếu vào tháng 5 đến tháng 8. Các sản vật khai thác chủ yếu là cáy mật, cua rèm, cá bống bớp, ngao, hến.
– Nuôi trồng thủy sản
Với lợi thế là các đầm phá và các bãi triều nên khu vực này rất thuận lợi cho phát triển nuôi trồng thuỷ hải sản. Hoạt động nuôi trồng thủy sản chính trong khu vực là nuôi tôm và nuôi ngao, trong đó hoạt động nuôi tôm chiếm tới 2/3 diện tích nuôi trồng trong khu vực. Trong những năm gần đây, nghề nuôi trồng nhuyễn thể, đặc biệt là nuôi ngao thương phẩm và ngao giống đã phát triển mạnh mẽ với tổng diện tích lên tới 1.144 ha và cho thu nhập hàng trăm tỉ đồng. Tuy nhiên việc phát triển mô hình một cách ồ ạt cả về quy mô và diện tích đã khiến cho hoạt động này đang gặp rất nhiều khó khăn về thị trường đầu ra. Bên cạnh đó, do tập tục canh tác và điều kiện tự nhiên cũng như biến đổi khí hậu gây ra các rủi ro cho người dân.
– Dệt chiếu cói
Trước đây, toàn khu vực có rất nhiều hộ gia đình dệt chiếu cói. Nhưng hiện chỉ có tại huyện Kim Sơn là nghề này phát triển. Kim Sơn có 7 làng nghề được công nhận là làng nghề truyền thống chiếu cói, đó là: Làng nghề Trì Chính, Kiến Thái, Thủ Trung (xã Kim Chính), Đồng Đắc, Hướng Đạo (xã Đồng Hướng) và Ninh Mật, Yên Thổ (xã Yên Mật).
Cây cói xuất hiện ở Kim Sơn mới gần 2 thế kỷ nhưng đã có một vị trí rất quan trọng trong cuộc sống của người dân nơi đây. Dệt chiếu là cả một quá trình lao động sáng tạo, vất vả, thận trọng từ khâu chọn cói, phơi cói, nhuộm cói sao cho đỏ tươi và bền mầu đặc biệt là khâu dệt cải hoa của chiếu. Người cải hoa phải nhanh, uyển chuyển, mềm mại, mắt phải tinh, tay cải phải chính xác, thuộc từng nét cải để không đan lỗi. Người lao cói phải nhanh, đặc biệt là phải nhịp nhàng theo người dệt. Sự hài hoà, ăn ý giữa người lao cói và dệt chiếu phải cẩn thận, trau chuốt, tỷ mỉ.
Ngoài dệt chiếu, người dân Kim Sơn đã dùng cây cói làm nhiều sản phẩm thủ công mỹ nghệnhư: chiếu, thảm, làn, khay, hộp, đĩa, cốc, tách, túi xách, mũ …