KHU DỰ TRỮ SINH QUYỂN LANGBIANG

1. Thông tin chung

Nằm ở phía Bắc tỉnh Lâm Đồng, Khu Dự trữ sinh quyển Langbiang là Khu Dự trữ sinh quyển thứ 9 của Việt Nam và đầu tiên ở khu vực Tây Nguyên được UNESCO công nhận vào ngày 09/6/2015.

Khu DTSQ LangBiang có tổng diện tích 275.439 ha, được đánh giá là một trong 4 trung tâm đa dạng sinh học của Việt Nam, là 1 trong 221 vùng chim đặc hữu của thế giới… Trong chương trình bảo tồn hệ sinh thái dãy Trường Sơn, Khu dự trữ sinh quyển thế giới Langbiang mà vùng lõi là Vườn quốc gia Bidoup – Núi Bà được xác định nằm trong khối núi chính thuộc Nam Trường Sơn và là khu vực ưu tiên số một trong công tác bảo tồn.

Hình ảnh trụ sở BQL Khu dự trữ sinh quyển Langbiang (VQG Bidoup Núi Bà – Vùng lõi khu dự trữ sinh quyển – Cơ quan thường trực của BQL). Photo by: Lê Ngọc Hiếu

Cơ quan hành chính: Vườn quốc gia Bidoup Núi Bà, tỉnh Lâm Đồng.

Diện tích bề mặt (mặt đất và biển): 275.439 ha

Diện tích lõi: 34.943 ha Vùng đệm: 72.232 ha Diện tích chuyển tiếp: 168.264 ha

Vị trí: Vĩ độ: 11 ° 41’52 ”N – 12 ° 20’12” N

Kinh độ: 108 ° 09’18 ”E – 108 ° 45’48” E

Điểm giữa: 12 ° 01’02 ”N – 108 ° 27’33” E

  • Bản đồ khu DTSQ

  • Logo, biểu tượng, ý nghĩa của Logo

2. Tổ chức quản lý KDTSQ

 3. Các giá trị đa dạng sinh học nổi bật

Khu DTSQTG Langbiang được xem là phần cao nhất cuối cùng phía Nam của dãy Trường Sơn, vùng đất này hội tụ nhiều yếu tố về địa hình, khí hậu, thổ nhưỡng… để trở thành một trung tâm đa dạng sinh học của Việt Nam. Địa hình khu vực Bidoup Núi Bà có tính đối xứng từ Đông sang Tây, chia cắt mạnh bởi các hệ thống sông suối dày đặc và các đỉnh núi cao tạo nên các vành đai đón gió như: vành đai phía Đông gồm: Bidoup (2.283m), Gia Rích (1.923 m) và Hòn Giao (2.062 m); vành đai phía Tây gồm: Langbiang (2.167 m) và Chư Yang Kao (2.078 m) thấp dần về phía sông Krông Nô. Yếu tố địa hình khu vực này đã chịu sự tương tác mạnh mẽ của hoàn lưu Đông Bắc (từ Thái Bình Dương) và hoàn lưu Tây Nam (từ Ấn Độ Dương) đã tạo nên những đặc trưng phân hóa đa dạng sinh học tại KDTSQ Langbiang.

KDTSQ Langbiang đã được các nhà khoa học xác định là mẫu chuẩn hệ sinh thái rừng kín thường xanh mưa ẩm á nhiệt đới của Việt Nam, và cũng là kiểu rừng đặc trưng cho vùng cao nguyên. Đây là khu rừng chứa đựng giá trị cao về cảnh quan tự nhiên, đa dạng sinh học, với nhiều nguồn gen động thực vật quý hiếm, đặc trưng cho hệ sinh thái rừng á nhiệt đới với các kiểu rừng: (1) kiểu phụ rừng kín hỗn hợp cây lá rộng, lá kim ẩm á nhiệt đới; (2) kiểu phụ rừng rêu (Mossy Forest); (3) kiểu rừng thưa cây lá kim (Thông 3 lá) hơi khô á nhiệt đới núi thấp; (4) kiểu rừng tre nứa; (5) kiểu rừng hỗn giao tre với lá rộng; (6) kiểu rừng kín thường xanh, mưa ẩm á nhiệt đới núi trung bình. Do ảnh hưởng phân bố của đai độ cao từ 600- 2.287 m và nhiều kiểu hệ sinh thái rừng khác nhau nên Khu DTSQTG Langbiang sở hữu một kho báu về đang dạng sinh học cần được quan tâm bảo tồn và phát triển.

Khu dự trữ sinh quyển Langbiang đang là ngôi nhà chung 2.089 loài thực vật có mạch trên tổng số khoảng 13.000 loài của khu hệ thực vật Việt Nam thuộc 829 chi, 186 họ khác nhau. Trong đó có 74 loài có tên trong Sách đỏ Việt Nam 2007 và 35 loài có tên trong Danh lục đỏ của Liên Minh Quốc tế Bảo tồn Thiên nhiên và Tài nguyên Thiên nhiên (IUCN) phiên bản 2019. Khu dự trữ sinh quyển Langbiang là vương quốc các loài Lan với sự hiện diện của 317 loài Lan thuộc 85 chi trên tổng số gần 1.300 loài Lan của Việt Nam. Khu dự trữ sinh quyển Langbiang còn là khu địa lý của các loài cây lá kim với 13 loài thuộc 10 chi và 05 họ trong tổng số 33 loài cây lá kim của Việt Nam. Trong đó có loài mang tính đặc hữu hẹp như Thông hai lá dẹt (Pinus krempfii);

Thông hai lá dẹt (Pinus krempfii) loài thực vật cổ sinh đặc hữu, quý hiếm. Ảnh: Trương Quang Cường

Các nhà khoa học đã ghi nhận được 131 loài thuộc 12 Bộ và 29 họ tại khu vực Khu dự trữ sinh quyển Langbiang với hơn 70 loài có tên trong sách đỏ Việt Nam, IUCN và CITES. Điểm đặc biệt của khu hệ thú Khu dự trữ sinh quyển Langbiang, đó là các loài thú lớn móng guốc hiện diện tương đối đầy đủ như: Bò tót (Bos gaurus), Sơn dương (Naemorhedus sumatraensis)… Trong những năm gần đây, một hợp tác nghiên cứu giữa VQG Bidoup – Núi Bà, Viện Sinh thái học miền nam (SIE) và Viện nghiên cứu Động vật hoang dã Leibniz (Leibniz-IZW), Cộng Hòa Liên Bang Đức đã công bố phát hiện những loài thú quý hiếm được ví như sứ giả của dãy Trường Sơn như: Thỏ vằn trường sơn (Nesolagus timminsi), Mang lớn (Muntiacus vuquangensis)…Loài Mang lớn một loài thú móng guốc đặc hữu của dãy Trường Sơn thuộc nhóm cực kỳ nguy cấp (CR) trong danh lục đỏ IUCN. Các nhà khoa học cho rằng, Mang lớn đã tuyệt chủng tại hầu hết các khu rừng trong vùng phân bố trước đây ở Việt Nam và VQG Bidoup-Núi Bà có thể là nơi tồn tại quần thể khả thi cuối cùng để bảo tồn loài này tại Việt Nam.

Cá thể Mang lớn đực (Muntiacus vuquangensis). (Ảnh VQG Bidoup Núi Bà)

Khu dự trữ sinh quyển Langbiang được các nhà khoa học đánh giá là một trong 221 vùng chim đặc hữu của thế giới (EBA) với 03 vùng chim quan trọng (IBA) là: Bidoup (VN036), Langbiang (VN 037) và Cổng trời (VN 056). Đất nước Việt Nam của chúng ta có tổng cộng hơn 900 loài chim thì tại Khu dự trữ sinh quyển Langbiang đã ghi nhận sự hiện diện của 306 loài thuộc 15 bộ và 54 họ, một con số cực kỳ ấn tượng nếu so sánh diện tích Khu dự trữ sinh quyển Langbiang với tổng diện tích tự nhiên của Việt Nam. Trong đó số loài và loài phụ đặc hữu là 14 loài chiếm hơn ½ số loài và loài phụ đặc hữu của Việt Nam. Những nhà nghiên cứu về điểu học cũng như dân xem chim trên toàn thế giới thường chọn Khu dự trữ sinh quyển Langbiang như là một điểm đến quen thuộc trong hành trình vòng quanh thế giới của mình.

Thêm vào đó khu hệ Lưỡng cư Khu dự trữ sinh quyển Langbiang gồm 78 loài thuộc 2 bộ là bộ Không đuôi – Anura và bộ Không chân – Gymnophiona. Bộ Không chân chỉ có 1 họ Ếch giun- Ichthyophiidae với 1 loài duy nhất là loài Ếch giun (Ichthyophis bannanicus). Còn lại 77 loài thuộc bộ Không đuôi gồm 6 họ. Trong 6 họ của bộ Không đuôi, Họ Ếch cây-Rhacophoridae chiếm số lượng lớn nhất với 19 loài. Tiếp theo là họ Nhái bầu Microhylidae với 16 loài, họ Ếch nhái- Ranidae với 15 loài và họ Cóc Bùn-Megophryidae với 13 loài. Họ Ếch nhái chính thức-Dicroglossidae có 11 loài chia thành 2 họ phụ là: Dicroglossinae gồm 8 loài và Occidozyginae gồm 3 loài. Họ Cóc-Bufonidae có 3 loài và là họ có số loài ít nhất trong bộ Không đuôi. Cần thiết phải tiến hành nhiều khảo sát chuyên sâu để đánh giá đầy đủ hơn khu hệ Lưỡng cư và các nhóm sinh vật khác tại khu vực Langbiang trong tương lai.

Tổng hòa bức tranh đa dạng sinh học của Khu dự trữ sinh quyển Langbiang rất đa dạng, phong phú và còn nhiều bí ẩn. Nó như một viên ngọc xanh giữa đại ngàn Tây Nguyên hùng vĩ. Các giá trị về đa dạng sinh học tại khu vực này vẫn tiếp tục được khám phá, tìm hiểu. Hằng năm, nhiều công bố mới cho khoa học cũng như tái phát hiện các loài tưởng chừng như đã tuyệt chủng trong tự nhiên càng làm phong phú thêm kho báu đa dạng sinh học mà cao nguyên này đang sở hữu. Một trong những loài hoa được xem như là biểu tượng của cao nguyên Langbiang là Trà langbiang (Camellia langbianensis) đã được tái phát hiện và công bố trong năm 2021 là một ví dụ, gần đây loài Trà có hoa nhỏ nhất thế giới là Trà hoa tý hon (Camellia flosculora) phát hiện và công bốđể tô điểm them cho bức tranh đầy sinh động này.

Trà my Langbiang (Camellia langbiangensis). Ảnh: Trương Quang Cường

4. Các giá trị văn hóa nổi bật

Sự đa dạng về các tộc người (10 tộc người) tạo ra sự đa dạng về không gian văn hóa Dân tộc bản địa; K’ho (gồm 3 nhóm: Cil, Lạch và T’ring).

Đa dạng, độc đáo về nhà cửa, trang phục, ẩm thực, nghề thủ công. (Ảnh VQG Bidoup Núi Bà)

Phong phú về phong tục tập quán; Dân ca, dân vũ; tín ngưỡng, tôn giáo hòa vào không gian văn hóa cồng chiêng đã được UNESCO công nhận.

Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên. (Ảnh VQG Bidoup Núi Bà)

5. Một số mô hình phát triển KTXH nổi bật (có thể đưa vào box kèm hình ảnh minh họa của mỗi mô hình):

Được thiên nhiên ưu đãi về điều kiện khí hậu ôn hòa và mát mẻ quanh năm, cảnh quan thiên nhiên độc đáo, như thác Cam Ly, Khu du lịch Dankia – Suối Vàng… Khu dự trữ sinh quyển thế giới LangBiang có hệ thống sông, hồ, rừng, đồi núi, thích hợp cho phát triển du lịch sinh thái kết hợp các hoạt động thể thao mạo hiểm, mà còn là nơi hội tụ nhiều di tích lịch sử – văn hóa, lễ hội…, có giá trị cao về truyền thống, bản sắc và văn hóa tâm linh.

Hoạt động du lịch góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của tai Khu dự trữ sinh quyển, thu hút nhiều nguồn lực trong xã hội tham gia. Sản phẩm du lịch ngày càng được đa dạng hóa và Đà Lạt – một trong những điểm đến nổi tiếng của KDTSQ với nhiều phong cảnh đẹp lý tưởng – trở thành thương hiệu du lịch không chỉ ở trong nước mà còn ở tầm khu vực. Năm 2016, Đà Lạt đã được Tạp chí New York Times (Mỹ) bình chọn là một trong 52 điểm đến du lịch hàng đầu của thế giới, Kênh truyền hình CNN (Mỹ) bình chọn là một trong 9 địa điểm du lịch tuyệt vời ở khu vực châu Á. Năm 2017, thành phố Đà Lạt được cộng đồng quốc tế trao tặng giải thưởng “Thành phố bền vững về môi trường ASEAN lần thứ tư” tại Hội nghị Bộ trưởng Môi trường ASEAN lần thứ 14…

Với các yếu tố đặc thù về lịch sử, khí hậu, môi trường… KDTSQ có nhiều thuận lợi để phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao. Tùy theo từng loại rau, hoa, khi ứng dụng đồng bộ nhà kính và các thiết bị công nghệ cao sẽ cho năng suất cao hơn 2-3 lần, giá trị nông sản cao hơn 1,5-2 lần so với cây trồng ngoài trời. Nhiều doanh nghiệp, nông dân thu nhập hàng tỷ đồng nhờ thông qua ứng dụng công nghệ nhà kính, điển hình như Công ty TNHH TM-DV Trường Hoàng (trồng lan Hồ Điệp), Công ty TNHH Hoa Mặt Trời (trồng lan Vũ nữ), Công ty TNHH Đà Lạt GAP (trồng cà chua năng suất cao)… Ngoài ra, mô hình sản xuất nông nghiệp trong nhà kính còn góp phần khai thác giá trị tổng hợp ngành nông nghiệp thông qua phát triển du lịch canh nông.