1. Thông tin chung
– Tên gọi: Ban Quản lý Khu dự trữ sinh quyển thế giới Mũi Cà Mau
– Cơ quan thường trực: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau
– Địa chỉ liên hệ: 49A Hùng Vương, phường 5, thành phố Cà Mau, tỉnh Cà Mau.
– Email: bqlksqmuicamau@yahoo.com.vn
Mô tả về Khu dự trữ sinh quyển:
Khu DTSQ TG Mũi Cà Mau có diện tích 371.506ha với 3 vùng: Vùng lõi 17.329ha, Vùng đệm 43.309ha và Vùng chuyển tiếp 310.868ha. Tại vùng lõi được chia làm 3 vùng nhỏ là các phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của Vườn quốc gia Mũi Cà Mau, Vườn quốc gia U Minh Hạ và Dải rừng phòng hộ ven biển Tây.
Khu DTSQ TG Mũi Cà Mau nằm trên địa giới hành chính thuộc 05 huyện: U Minh, Trần Văn Thời, Phú Tân, Năm Căn, Ngọc Hiển; có 23 xã, thị trấn.
Bản đồ Phân vùng tổng thể Khu dự trữ sinh quyển thế giới Mũi Cà Mau
* Logo nhận diện và ý nghĩa:
3. Các giá trị đa dạng sinh học nổi bật
Những đặc trưng nổi bật nhất của Khu DTSQ TG Mũi Cà Mau:
– Các hệ thống diễn thế nguyên sinh trên đất mới bồi.
– Các hệ thống chuyển tiếp hệ sinh thái đặc trưng (ecotones) từ rừng ngập mặn sang rừng tràm – ngập nước ngọt theo mùa.
– Bãi sinh sản và nuôi dưỡng con non các loài thủy, hải sản cho cả một vùng rộng lớn – Vịnh Thái Lan.
– Nơi còn dấu tích tụ cư dân đầu tiên của người dân các vùng khác di cư đến.
Khu DTSQ TG Mũi Cà Mau với các hệ sinh thái đặc trưng đại diện bởi các vùng lõi:
* Vùng lõi 1: Vườn quốc gia U Minh Hạ với hệ sinh thái rừng Tràm (Melaleuca cajuputii) hình thành trong điều kiện ngập nước, úng phèn, trên đất than bùn.
Rừng tràm xanh mướt trong khu vực VQG U Minh Hạ (Ảnh: Sưu tầm)
– Là nơi cư trú của nhiều loài chim, thú có giá trị khoa học và quý hiếm được ghi vào sách Đỏ Việt Nam và nhiều loài động vật thông thường. Đặc biệt có nhiều loài chim đang bị đe doạ tuyệt chủng trên thế giới được ghi nhận nơi đây.
– Tài nguyên rừng có giá trị khoa học về bảo tồn nguồn gen và bảo tồn thiên nhiên.
Đa dạng sinh học
– Về thực vật: Gồm 176 loài thuộc 65 chi, 36 họ. Một số loài thường gặp như:
+ Nhóm cây gỗ: Tràm (loài ưu thế nổi bật), Mốp, Bùi, Trâm khế, Trâm sẽ.
+ Nhóm cây bụi: Mua lông, Mật cật gai, Bòng bong, Dầu dấu, Bí bái.
+ Nhóm thảm tươi: Dớn, Choại, Sậy, Năng, Cỏ đuôi lươn, Mây nước, Nhãn lòng,…
+ Nhóm thủy sinh: Bèo cái, Bèo tai chuột, Bèo tây, Bèo cám, Rau muống, Rau trai nước, Rau dừa, Cỏ mặt bợ, Rong.
– Thú rừng: có 23 loài: thuộc 13 họ, 8 bộ
– Chim: có 91 loài thuộc 33 họ, 15 bộ
– Bò sát: có 36 loài, thuộc 16 họ, 3 bộ
– Lưỡng cư: có 11 loài thuộc 5 họ, 2 bộ.
– Tài nguyên thuỷ sản:
+ Có khoảng 37 loài cá thuộc 19 họ.Trong đó có 9 loài cá kinh tế
+ Loài cá có giá trị kinh tế: Cá lóc, Cá trê vàng, Cá rô, Cá sặc bướm, Cá sặc rằn, Thát lát, Cá dày, Cá lóc bông,….
Một số loài cây thân gỗ trong Vườn quốc gia U Minh Hạ
Thực vật rất đa dạng
Dễ dàng bắt gặp các loài động vật nơi đây
Hình: Trích cồ(Porphyrio poliocephalus); Già đẫy Java (Leptoptilos javanicus) những loài chim quý hiếm tại Vườn
* Vùng lõi 2: Vườn quốc gia Mũi Cà Mau với hệ sinh thái rừng ngập mặn, là hệ sinh thái chuyển tiếp giữa hệ sinh thái biển và hệ sinh thái đất liền.
Có vị trí địa lý là 3 mặt giáp biển, nơi giao thoa giữa biển đông và biển tây, chịu ảnh hưởng cả hai chế độ thủy triều, bán nhật triều biển đông và nhật triều biển tây. Đặc biệt, diện tích đất liền của Vườn quốc gia Mũi Cà Mau không ngừng mở rộng một cách tự nhiên, hàng năm Mũi Cà Mau lấn ra biển vài chục đến vài trăm mét bằng nguồn phù sa do hệ thống sông, kênh, rạch bồi đắp dưới sự giúp sức của bộ rễ rừng mắm, đước ven biển, là nơi cung cấp nguồn giống động thực vật cho hệ sinh thái biển và hệ sinh thái đất liền.
Mũi Cà Mau – nơi chuyển tiếp giữa biển Tây và biển Đông (Ảnh: Sưu tầm)
Đa dạng sinh học:
– Thực vật: Có 27 loài cây ngập mặn và 28 loài cây khác tham gia vào hệ thực vật ở vùng đất này. Trong đó có 01 loài nằm trong Sách đỏ Việt Nam (Cóc đỏ)
– Thú rừng: 28 loài thuộc 11 họ và 8 bộ.
– Chim: là địa bàn sinh sống của 74 loài chim thuộc 23 họ và 28 loài chim di trú quý hiếm.
– Bò sát: phát hiện 43 loài bò sát thuộc 12 họ và 2 bộ.
– Lưỡng cư: 09 loài thuộc 05 họ, 02 bộ.
– Thủy hải sản: Phát hiện được 139 loài cá thuộc 21 bộ, 55 họ, 89 giống; Giáp xác được 53 loài thuộc 30 giống, 18 họ và 04 bộ; Thân mềm được 63 loài thuộc 09 bộ, 28 họ, 08 giống.
Khu vực bãi bồi là bãi ương, dưỡng các loài thủy hải sản
Kỳ đà nằm phơi nắng Hổ mang chúa
Hình: Dù dì Phương Đông được thấy tại VQG Mũi Cà Mau
VQG Mũi Cà Mau còn là khu vực lưu trú của nhiều loài chim di cư, khu Ramsar thứ 2088 của thế giới
* Vùng lõi 3: Dải rừng phòng hộ biển Tây, nằm giữa Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau và Vườn Quốc gia U Minh Hạ được mệnh danh là “bức tường xanh” ngăn chặn sức tàn phá của thiên nhiên, bảo vệ hệ sinh thái đa dạng và môi trường sống của cư dân. Là hệ thống chuyển tiếp hệ sinh thái đặc trưng (ecotones) từ rừng ngập mặn sang rừng tràm – ngập nước theo mùa.
Rừng phòng hộ biển Tây với chiều dài 76 km, diện tích hơn 2.500 ha, giúp bảo vệ sản xuất, tính mạng và tài sản của người dân, nhất là các khu định cư của hàng ngàn hộ dân đang sinh sống tập trung bên trong tuyến đê biển khỏi nạn xâm thực của biển.
Rừng phòng hộ biển Tây sở hữu hệ sinh thái cùng động, thực vật tương đối đa dạng. Trong đó, các loài thực vật chiếm ưu thế là đước đen, mắm trắng, mắm đen, mắm ổi, vẹt dù. Bên cạnh đó là quần thể thực vật tại khu vực rừng tái sinh tự nhiên, mọc hỗn giao giữa các loại cây đước, cây vẹt và rừng mắm. Rừng phòng hộ biển Tây còn phát triển theo diễn thể tự nhiên của rừng ngập mặn, khá giống với hệ sinh thái tại cù lao cửa sông.
Dưới tán Rừng phòng hộ biển Tây là nơi sinh sống, trú ngụ của các loài tôm, cá, cua, ốc, nghêu, sò, vọp…; là sinh cảnh quan trọng cho các loài chim, thú, bò sát lưỡng cư…
Hình: Cá thòi lòi, Ốc len dễ dàng được nhìn thấy nơi đây
Những năm qua, do ảnh hưởng của sóng biển, nhiều đoạn trên đê biển Tây bị sạt lở nghiêm trọng, có những đoạn không còn rừng ngập mặn. Trước tình trạng này, tỉnh Cà Mau đã đầu tư hơn 550 tỉ đồng để nâng cấp 54 km đê, kè bảo vệ đê và rừng ngập mặn 43 km, kinh phí 1.100 tỷ đồng từ ngân sách nhà nước.
4. Các giá trị văn hóa nổi bật
Khu DTSQ TG Mũi Cà Mau không chỉ đa dạng về cảnh quan, địa hình mà di sản văn hóa cũng rất phong phú. Những dấu ấn truyền thống khai hoang lập địa, mở mang phát triển của cộng đồng người Việt, người Hoa, người Khmer… hình thành tổ hợp giá trị văn hóa, xã hội, cảnh quan thiên nhiên hiện nay của Khu DTSQ TG Mũi Cà Mau. Nhiều đoàn trong nước và quốc tế đã đến tham quan, nghiên cứu vùng đất cực Nam của Tổ quốc này và đã rất ấn tượng về vùng đất, con người, bản sắc văn hóa nơi đây như: là nơi người dân sống trên những nhà sàn độc đáo, nơi có những ngôi nhà không có cửa, nghe kể những câu truyện của Bác Ba Phi hoặc thưởng thức đờn ca tài tử,… Đó đều là những dấu ấn khó phai, đậm nét về người dân nơi đây.
* Nghề truyền thống Gác kèo ong:
Nghề gác kèo ong là loại hình nghề thủ công truyền thống, tri thức dân gian. Chủ thể văn hóa là những nghệ nhân, những người thợ theo nghề gác kèo ong cha truyền con nối ở vùng rừng U Minh Hạ, huyện Trần Văn Thời và huyện U Minh, tỉnh Cà Mau.
Nghề gác kèo ong ra đời từ khi nào không ai biết, chỉ biết đây là nghề truyền thống lâu đời, được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác ở xứ rừng U Minh. Gác kèo ong được biểu hiện dưới hình thức làng nghề thủ công, hiện nay là các hợp tác xã chịu sự quản lý của Nhà nước và các hộ được giao quản lý, khai thác rừng. Các thành viên hợp tác xã được giao một phần rừng để canh giữ và được gác kèo ong trên phần rừng của mình.
Ong về làm tổ trên cây kèo và khai thác mật. (Ảnh: Sưu tầm)
* Nghề truyền thống muối Ba khía:
Nghề muối ba khía là loại hình nghề thủ công truyền thống, tri thức dân gian. Chủ thể văn hóa là cộng đồng làm nghề muối ba khía ở thị trấn Rạch Gốc, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau.
Nghề muối ba khía gắn bó mật thiết với đời sống cộng đồng cư dân Cà Mau từ lâu đời. Nghề muối ba khía là một hành trang trên đường mở cõi về phương Nam của lưu dân Việt. Đến Cà Mau, do nguồn nguyên liệu tự nhiên dồi dào nên nghề muối ba khía đã phát triển mạnh.
Nghề muối ba khía phản ánh một phần công cuộc chinh phục thiên nhiên, tạo dựng cuộc sống của nhiều thế hệ nối tiếp nhau, gắn bó với con người trong đời sống hàng ngày. Về vật chất, nghề muối ba khía là một sinh kế quan trọng. Về tinh thần, nó là nghệ thuật ẩm thực và được thể hiện trong dân ca, đờn ca tài tử, tác phẩm văn học tạo nên sắc thái văn hóa riêng của vùng đất này.
* Lễ hội Nghinh Ông Sông Đốc:
Là lễ hội dân gian truyền thống lớn nhất ở Cà Mau và được xếp vào danh sách 60 lễ hội tiêu biểu ở Việt Nam. Lễ hội Nghinh Ông gắn liền với tín ngưỡng dân gian và đền thờ Cá Ông ở thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời.
Lễ hội Nghinh Ông Sông Đốc hằng năm quy tụ về hàng nghìn chiếc ghe, tàu đánh bắt trên biển. Xen kẽ với các cuộc lễ là những phần hội vô cùng sinh động và náo nhiệt, mang đậm bản sắc văn hóa của cư dân vùng biển.
5. Một số mô hình phát triển KTXH nổi bật (có thể đưa vào box kèm hình ảnh minh họa của mỗi mô hình)
Từ khi được công nhận danh hiệu Khu DTSQ TG và VQG Mũi Cà Mau được công nhận là khu Ramsar 2088 của thế giới, các danh hiệu này đã có nhiều đóng góp trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, môi trường, du lịch sinh thái, xóa đói giảm nghèo, nâng cao vị thế vùng đất cực Nam Tổ quốc. Nhiều dự án đầu tư từ nước ngoài đến hỗ trợ cho tỉnh Cà Mau như: đường giao thông nông thôn, phòng chống sạt lở ven biển, khôi phục rừng ngập mặn, thích ứng với biến đổi khí hậu,…
* Du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng:
Với các danh hiệu quốc tế được công nhận, tỉnh Cà Mau quan tâm phát triển loại hình du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng dựa trên xây dựng sản phẩm du lịch từ nông nghiệp, gắn việc khai thác, bảo vệ và phát triển tài nguyên với hoạt động du lịch.
Các sản phẩm du lịch, cơ sở vật chất ngày càng đáp ứng được nhu cầu du khách
* Nuôi tôm sinh thái đạt chứng nhận quốc tế:
Với tiềm năng và lợi thế, tỉnh Cà Mau đã mạnh dạn áp dụng quy trình kỹ thuật tiên tiến tăng năng suất, sản lượng và chất lượng sản phẩm phù hợp với xu hướng thị trường. Đặc biệt, phát triển các mô hình nuôi tôm sinh thái nhằm giúp người dân nâng cao thu nhập, doanh nghiệp có sản phẩm tôm sạch, chất lượng để xuất khẩu và hơn thế còn tạo ra giá trị về bảo vệ môi trường, thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu.
Mô hình tôm – lúa đạt chứng nhận ASC tại xã Trí Lực, huyện Thới Bình (Ảnh: Huỳnh Lâm)
* Làng nghề truyền thống
Với vị trí địa lý đặc biệt, kết hợp hài hoà của biển, rừng cùng sự đan xen giữa các hệ sinh thái mặn, ngọt, lợ tạo nên sự phong phú, đa dạng về sản vật, qua đó góp phần thúc đẩy sự hình thành các làng nghề truyền thống.
Hình: Làng nghề làm chuối khô tại huyện U Minh (Ảnh: Sưu tầm)
Hình: Nghề làm tôm khô (Ảnh: Sưu tầm)
Hình: Nghề làm đũa đước ở huyện Ngọc Hiển (Ảnh: Sưu tầm)