Việt Nam đã chấp nhận và cho áp dụng khảo nghiệm đối với một số loại cây trồng biến đổi gen (GM). Vì vậy, chúng ta cần mạnh dạn hơn trong việc đưa cây trồng này vào sản xuất đại trà.
Những kết quả đầu tiên
Ông Phạm Văn Toản – nguyên Chánh văn phòng Chương trình công nghệ sinh học của Bộ NN-PTNT, phân tích: “Thế giới đã có lịch sử trồng và sử dụng sản phẩm (SP) biến đổi gien trên một chục năm và khoảng 350 triệu người đã sử dụng sản phẩm GM nhưng đến nay chưa từng ghi nhận bất kỳ một bằng chứng nào cho thấy cây trồng GM và SP của nó không an toàn đối với đa dạng sinh học, sức khỏe con người và vật nuôi. Đây là cơ sở thực tế để chúng ta tin tưởng công nghệ này an toàn”. Việc chúng ta mới chỉ đạt được những kết quả nghiên cứu, phát triển rất khiêm tốn trong lĩnh vực này, theo PGS-TS Nguyễn Tấn Hinh – Vụ phó Vụ Khoa học công nghệ và môi trường (Bộ NN-PTNT), là do chúng ta chậm và chưa xây dựng hoàn chỉnh cơ sở pháp lý cho việc nghiên cứu, khảo nghiệm, công nhận, trồng đại trà và sử dụng SP cây trồng GM ở VN (năm 2010 Chính phủ mới ban hành Nghị định số 69 về an toàn sinh học đối với sinh vật GM). Theo TS Lê Huy Hàm – Viện trưởng Viện Di truyền, hiện chúng ta vẫn chưa có quy chế đánh giá an toàn thức ăn chăn nuôi và SP sinh vật GM làm thức ăn cho người.
Nghiên cứu công nghệ sinh học biến đổi gien trong phòng thí nghiệm – Ảnh: Quang Thuần |