nhân viên của Viện Chăn nuôi cũng luôn khắc phục những khó khăn, bền bỉ nghiên cứu, khảo nghiệm thực tế để cho ra đời những công thức lai, những giống vật nuôi có năng suất, chất lượng cao phục vụ sản xuất và nhu cầu thị trường.
Kết quả nổi bật trong thập niên 80 của thế kỷ trước đã tạo được giống Đại Bạch – Ỉ, Berkshire – Ỉ, được Nhà nước công nhận có đóng góp tích cực vào sản xuất… Giai đoạn 1986-2000, các tổ hợp lợn lai 1/2, 3/4 ,7/8 máu ngoại (Landrace, Yorkshire) có ưu thế lai vượt trội. Từ năm 2001 đến nay, Viện đã lai tạo và khảo nghiệm thành công các công thức lai 3-4 máu ngoại từ các nguồn giống gen quý Hoa Kỳ, Ca-na-đa, các cặp lai trên có tăng trọng bình quân 750g/ngày, tỷ lệ nạc cao từ 56-60%… Hiện nay, các giống lợn lai nói trên đang được nuôi rộng rãi trên khắp cả nước, góp phần đưa sản lượng thịt lợn từ 1,4 triệu tấn năm 2000 lên gần 3,2 triệu tấn năm 2011.Về giống gia cầm, thủy cầm: Ngay từ những thập niên từ 60 đến 80 của thế kỷ 20, Viện đã nghiên cứu thích nghi, nhân thuần đưa vào sản xuất một số giống gà công nghiệp: Goldline, Hi-line, Ross – 208, Cornish, Plymonth, lai tạo thành công giống gà Rhode Ri, chọn tạo được những dòng, giống gà lông mầu năng suất chất lượng cao: LV, TP1,TP2,TP3,TP4, gà HA, RA có năng suất trứng/mái đạt 155 – 183 quả, gà thương phẩm có khối lượng thịt 1,9-2,7 kg, chất lượng thịt, trứng thơm ngon. Hằng năm, Viện chuyển giao cho sản xuất 1,5-2,0 triệu gà ông bà, bố mẹ và từ 20 đến 25 triệu gà giống thương phẩm, thịt, trứng chất lượng cao trên các vùng sinh thái của cả nước, góp phần khôi phục nhanh đàn giống gia cầm sau dịch cúm A H5N1.Với các dòng, giống vịt: việc chọn tạo và chuyển giao sản xuất vịt CV – Super M là một thành công lớn, làm thay đổi cơ cấu chăn nuôi vịt, góp phần đưa tổng đàn thủy cầm cả nước lên hơn 84 triệu con. Năng suất trứng vịt CV-Super M sau khi chọn lọc đã được nâng lên 220 – 230 quả/mái/năm; từ nguồn nguyên liệu nhập nội đã chọn tạo một số giống vịt có năng suất trứng đạt 260 – 270 quả/mái/năm, vịt nuôi thịt đạt 3,7 – 3,8 kg trong 45 ngày, tiêu tốn 2,6 – 2,7 kg thức ăn/kg tăng trọng. Ngoài ra, Viện còn tạo lọc, nhân thuần giống vịt Cỏ, đưa sản lượng trứng từ 180 quả lên 220 quả/năm; vịt chuyên trứng Khaki Campbell và vịt CV Layer – 2000 sau khi chọn lọc, có năng suất trứng đạt 280 – 290 quả trứng/năm.
Còn về các loài ngan, Viện đã nghiên cứu thích nghi và chọn tạo các dòng ngan Pháp R31, R51, dòng ngan siêu nặng và các dòng ngan VS, V5 và V7 có năng suất trứng đạt 190 – 200 quả/năm. Hằng năm, Viện đã chuyển giao cho sản xuất 500 nghìn ngan ông bà, bố mẹ một ngày tuổi chất lượng tốt. Từ đó sản xuất ra gần 20 triệu con giống thương phẩm phục vụ sản xuất và cho hiệu quả cao.
Không dừng lại ở đó, từ năm 1998, Viện bắt đầu nghiên cứu thích nghi giống đà điểu nhập về từ Ô-xtrây-li-a. Sau 13 năm nghiên cứu chọn tạo đàn giống gốc hạt nhân, Viện đã định hướng được hệ thống giống đà điểu, hoàn thiện các quy trình chăm sóc, nuôi dưỡng đà điểu các loại, phù hợp điều kiện sinh thái. Hiện nay, cả nước đã có 56 trang trại chăn nuôi đà điểu trên 40 tỉnh, thành phố. Hằng năm sản xuất và cung cấp khoảng 48 – 56 nghìn đà điểu giống và đà điểu nuôi thịt.
Đón trước nhu cầu phát triển chăn nuôi bò sữa phù hợp khí hậu sinh thái nước ta, ngay từ những năm 1959-1960, Viện bắt đầu lai tạo bò sữa. Từ chỗ chưa có bò sữa, đến năm 2000, đã tạo được đàn bò lai hướng sữa 1/2; 3/4 và 7/8 máu bò Holstein Friesian (HF) với sản lượng sữa bình quân đạt 3.400 – 3.700 kg sữa/ bò cái vắt sữa/năm. Cùng với việc áp dụng các giải pháp kỹ thuật đồng bộ trong chọn tạo giống; thức ăn, dinh dưỡng, Viện đã xây dựng “Chương trình quản lý giống bò sữa” góp phần nâng cao năng lực quản lý giống cho 19.639 trang trại và hộ gia đình của 32 tỉnh, thành phố, giúp cho việc quản lý và chọn lọc đàn hạt nhân bò HF thuần và đàn bò lai hướng sữa để nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả chăn nuôi bò sữa ở nước ta, đưa đàn bò sữa lên 150.000 con như hiện nay. Song song với bò sữa, các nghiên cứu về bò thịt đã tạo các con lai bò chuyên thịt với bò cái lai Zebu. Đàn bê lai có tốc độ sinh trưởng nhanh hơn 30% so với bê lai Sind khi nuôi trong cùng điều kiện. Các kết quả nghiên cứu của Viện đã góp phần quan trọng trong tăng trưởng cả về số lượng và chất lượng đàn bò thịt nước ta. Với con trâu, Viện tập trung chọn lọc, nhân thuần nâng cao năng suất và chất lượng thịt của trâu Việt Nam, góp phần không nhỏ cho việc duy trì tổng lượng đàn trâu luôn ở mức 2,9 – 3,0 triệu con như hiện nay.
Từ những năm 1980, giống dê Bách Thảo đã được chọn lọc nhân thuần để lấy thịt và sữa. Viện đã tạo được một số con lai giữa dê giống ngoại chuyên thịt, chuyên sữa với dê Bách Thảo, dê Cỏ có năng suất thịt cao hơn 20 -23% so với các giống dê của địa phương và năng suất sữa cao hơn dê Bách Thảo từ 30 đến 40%. Hiện các đàn dê lai này được phát triển rộng, phù hợp phương thức chăn thả ở các vùng núi cao.
Hai nhóm cừu lông tơi và cừu lông bện được chọn tạo tại Ninh Thuận và phát triển tại một số tỉnh miền bắc và miền trung từ 2001 đến nay là sản phẩm của các giải pháp tổng hợp để nâng cao khả năng sản xuất của giống cừu Phan Rang trong chăn nuôi nông hộ. Đàn cừu sau khi được chọn lọc, nhân thuần đã tăng khối lượng trung bình 15 – 20% so với đàn cừu tại địa phương, khả năng sinh sản và chống chịu bệnh tật được cải thiện rõ rệt. Trên cơ sở đàn cừu cái nền, đã tạo đàn cừu lai F1 và F2 giữa cừu cái Phan Rang với cừu đực Dopper và cừu đực Suffolk nhập nội từ Ô-xtrây-li-a, có khối lượng 12 tháng tuổi đạt 25 – 38 kg, cao hơn cừu nội 12,0 – 13,15%, cung cấp giống cho sản xuất tại các tỉnh Nam Trung Bộ.
Với con ngựa, Viện đã tập trung lai tạo ngựa Việt Nam với các giống ngoại Khabardin, Carbadin để cho ra đời con lai có nhiều máu ngoại có khối lượng, tầm vóc, có sức thồ, kéo cao hơn 30 – 50% so với ngựa nội, phục vụ cho dân sinh và quốc phòng ở vùng sâu, vùng xa. Tiếp đến là các công thức lai với ngựa Westfale, ngựa Oldenbger nhằm phục vụ thể thao và du lịch.
Cùng với việc nghiên cứu, chọn lọc, lai tạo các giống vật nuôi cung ứng cho sản xuất, trong những năm qua, Viện Chăn nuôi cũng luôn chú trọng các nghiên cứu và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật về thức ăn chăn nuôi nhằm hỗ trợ cho người chăn nuôi đạt hiệu quả kinh tế cao nhất. Điển hình là xuất nhiều bộ sách về dinh dưỡng và quy trình nuôi dưỡng, các nghiên cứu sâu về ứng dụng kỹ thuật hiện đại (máy hấp thụ quang phổ cận hồng ngoại, buồng trao đổi chất…) đưa ra các khuyến cáo về nhu cầu dinh dưỡng cho các loại vật nuôi, các nghiên cứu về khoáng, đồng cỏ và cây thức ăn chăn nuôi, quy trình kỹ thuật chế biến phụ phẩm nông, công nghiệp vào vỗ béo cho bò,v.v. Đồng thời chuyển giao đến người chăn nuôi quy trình bảo quản trứng gà tươi bằng phun dầu paraffin, trong môi trường kiềm; chế biến trứng muối và trứng bọc thuốc bắc…nhằm kéo dài thời gian bảo quản trong mùa hè.
Về lĩnh vực công nghệ sinh học, Viện có phòng thí nghiệm trọng điểm tế bào động vật đã tập trung một số nghiên cứu cơ bản công nghệ cao như công nghệ gien động vật, công nghệ tinh, phôi động vật, công nghệ vi sinh vật. Theo đó, đã xác định được các gen liên quan đến tính trạng sản xuất như Halothane trên lợn, gen Kappacasein và ?-lactoglobulin trên bò, đăng ký được 40 đoạn gien liên quan đến các tính trạng kinh tế và năng suất sinh sản trên ngân hàng gien thế giới, tách chiết thành công ADN trên bò rừng, gà nội…, xác định được tỷ lệ của xương, thịt gia súc nhai lại trong bột xương, thịt làm cơ sở khuyến cáo phòng tránh bệnh bò điên qua thức ăn chăn nuôi. Làm chủ được công nghệ cấy truyền phôi tươi và phôi đông lạnh cho bò, lợn. Viện cũng đã thành công trong việc thụ tinh ống nghiệm, xác định giới tính của phôi, nghiên cứu sản xuất tinh lợn cọng rạ đông lạnh, môi trường pha loãng và bảo tồn tinh dịch lợn dài ngày.
Về lĩnh vực nguồn bảo tồn gien, đa dạng sinh học và động vật quý hiếm, Viện kết hợp phương pháp nuôi giữ động vật tại bản xứ và tại trang trại để nuôi giữ, bảo tồn 51 giống vật nuôi quý của Việt Nam. Bảo tồn được một số giống có nguy cơ mất như lợn Ỉ, gà Hồ, dê Bách Thảo, vịt Bầu Bến… Chọn lọc phát triển một số giống như cừu Phan Rang, dê Bách Thảo, vịt Bầu Quỳ, gà Mông; bảo tồn được 2.181 mẫu ADN của 39 giống. Đây là nguồn gen quý đang được lưu giữ tại Viện Chăn nuôi. Đã áp dụng phương pháp di truyền phân tử để đánh giá một số động vật quý hiếm tại Việt Nam. Bên cạnh nhiệm vụ bảo tồn, việc phát triển nguồn gien vật nuôi quý hiếm vào sản xuất như gà Mông, chim Trĩ đỏ, gà Mía, gà Móng, lợn Hạ Lang và lợn Táp ná Cao Bằng,… đã và đang được thực hiện, góp phần quan trọng cho phát triển kinh tế – xã hội tại nhiều địa phương trong cả nước.
Về lĩnh vực môi trường trong chăn nuôi: Đã xác định được một số giải pháp xử lý chất thải trong chăn nuôi lợn trang trại tập trung, góp phần làm tăng thu nhập cho người chăn nuôi lợn từ 10 đến 15%. Đồng thời, các nghiên cứu về các giải pháp tổng hợp quy hoạch phát triển vùng chăn nuôi theo lợi thế từng vùng sinh thái bền vững, cơ chế, chính sách nhằm phát huy tối đa lợi thế so sánh trong cạnh tranh, bảo đảm cho người chăn nuôi có lãi trong điều kiện nước ta hội nhập kinh tế thế giới.
Đào tạo nguồn nhân lực ngành chăn nuôi
Từ con số rất ít và hiếm cán bộ khoa học đứng đầu trong lĩnh vực chăn nuôi trước đây, đến nay, trong tổng số cán bộ, công nhân viên 1.032 người, Viện Chăn nuôi có hơn 400 cán bộ có trình độ đại học trở lên, trong đó 114 thạc sĩ và tiến sĩ, 12 giáo sư và phó giáo sư. Viện Chăn nuôi đang phối hợp nghiên cứu và đào tạo với 13 trường đại học và 22 viện nghiên cứu trong và ngoài nước.
Kể từ năm 1994, Viện Chăn nuôi vinh dự được Nhà nước giao nhiệm vụ đào tạo tiến sĩ chuyên ngành chăn nuôi. Đến nay, trong số 104 nghiên cứu sinh, đã có 41 người bảo vệ thành công luận án tiến sĩ nông nghiệp, trong số đó nhiều người đã và đang giữ vai trò trọng yếu trong quản lý và nghiên cứu ở nhiều cơ quan khác. Viện cũng là nơi đón tiếp sinh viên đến thực tập tốt nghiệp và đào tạo hộ nông dân trong các lĩnh vực kỹ thuật chăn nuôi.
Bên cạnh hệ thống trang thiết bị đồng bộ phục vụ nghiên cứu ứng dụng, nuôi giữ giống gốc quốc gia, các phòng thí nghiệm hiện đại phục vụ công tác nghiên cứu cơ bản cũng được Viện đầu tư mạnh mẽ. Phòng phân tích thức ăn và sản phẩm chăn nuôi ngày nay đã phân tích được hầu hết các chỉ tiêu về chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm.
Đường lối đổi mới của Đảng và Chính phủ đã thúc đẩy công tác hợp tác quốc tế tại Viện Chăn nuôi lên một bước mới. Hàng chục dự án song phương với các nước: Thụy Điển, Ô-xtrây-li-a, Anh, Na Uy, Pháp về đa dạng sinh học và hệ thống chăn nuôi, Nhật Bản, Đức, Bỉ… đã đóng góp quan trọng cho công tác nghiên cứu khoa học – công nghệ của Viện, tạo điều kiện cho các cán bộ khoa học trong nước tiếp cận nhanh với công nghệ mới.
Hơn 60 năm xây dựng, trưởng thành và phát triển, Viện Chăn nuôi đã đóng góp quan trọng trên chặng đường dài phát triển nguồn lực để đáp ứng đòi hỏi của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp và nông thôn nước ta. Ghi nhận những thành tích xuất sắc đã đạt được, Viện vinh dự được Nhà nước trao tặng nhiều phần thưởng cao quý: Huân chương Độc lập hạng nhất, nhì, ba; Huân chương Lao động. Có 10 trong số 11 trung tâm thuộc Viện được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng nhất và hạng nhì. Đặc biệt, một giải thưởng Hồ Chí Minh, bốn giải thưởng Nhà nước, bốn giải thưởng Vifotec và các giải thưởng quốc tế về khoa học – công nghệ. Trong đó giải thưởng E.SOAUMA là giải thưởng lớn của Tổ chức Nông Lương thế giới (FAO) trao tặng và hai giải thưởng Kovaleskaia trao tặng cho nữ tập thể và cá nhân cán bộ nghiên cứu của Viện… Với thành tích như trên, Đảng bộ Viện Chăn nuôi được công nhận là Đảng bộ trong sạch, vững mạnh toàn diện 28 năm liền.
Theo Nhân dân