Cây trồng biến đổi gen góp phần giảm một nửa số lượng người đói nghèo trên thế giới

Trên thê giới, cây trồng biến đổi gen có thể góp phần xoá đói giảm nghèo bằng cách tăng năng suất cây trồng và tạo thu nhập, đặc biệt đối với người nông dân nghèo và bảo đảm một môi trường an toàn, bền vững hơn. Tuy nhiên, ở Việt Nam, những vướng mắc về pháp lý và hạn chế công nghệ trong việc nghiên cứu, khảo nghiệm để đưa cây trồng biến đổi gen vào trồng phổ biến đang là rào cản.

 

Tác động toàn cầu của cây trồng biến đổi gen

Sau 15 năm đưa vào canh tác cây trồng biến đổi gen (1996 – 2010) diện tích cây trồng biến đổi gen đã tăng 87%, đạt 148 triệu ha. Hiện đã có 29 nước trồng cây biến đổi gen, 30 nước nhập khẩu các sản phẩm cây trồng biến đổi gen, 59 nước phê duyệt sử dụng các loại cây trồng biến đổi gen, hoặc để trồng và nhập khẩu. 5 nước dẫn đầu về diện tích cây trồng biến đổi gen là Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil, Argentina và Nam Phi. Theo TS. Clive James – Chủ tịch, người sáng lập ra cơ quan Dịch vụ quốc tế về khuyến khích ứng dụng công nghệ sinh học trong nông nghiệp (ISAAA), giá trị toàn cầu của riêng hạt giống cây biến đổi gen đạt 11,2 tỷ USD trong năm 2010 và gần 150 tỷ USD/năm cho các sản phẩm ngô, đậu tương và bông. Cây trồng biến đổi gen đã góp phần tiết kiệm 39 triệu kg thuốc trừ sâu, 75 triệu ha đất và giúp 14,4 triệu hộ nông dân nhỏ, đa phần là hộ nghèo thoát khỏi đói nghèo. Cây trồng biến đổi gen sẽ đóng góp to lớn vào Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ 2015 về cắt giảm một nửa số lượng người đói nghèo bằng cách tối ưu hóa năng suất cây trồng theo đề xuất của người sáng lập ISAAA, người đoạt giải Nobel Hòa Bình – ông Norman Borlaug có công đã cứu 1 tỷ người khỏi đói.

 

Và những rào cản ở Việt Nam

Với điều kiện khí hậu ở nước ta, cây trồng biến đổi gen có ưu điểm nổi trội là có khả năng chống lại sâu đục thân, đặc biệt đối với các giống ngô, sâu đục thân gây tác hại rất lớn đến năng suất, chất lượng. Ưu điểm thứ hai là cây biến đổi gen có khả năng chống chịu thuốc diệt cỏ. Do đó, trồng cây biến đổi gen vừa giảm chi phí đầu vào, vừa tăng năng suất.

Ở Việt Nam, những vướng mắc về pháp lý và hạn chế công nghệ trong việc nghiên cứu, khảo nghiệm để đưa cây trồng biến đổi gen vào trồng phổ biến đang là rào cản. Hiện thông tư về hướng dẫn sử dụng sản phẩm từ cây trồng biến đổi gen cho chăn nuôi đang được Bộ NN và PTNT tiến hành xây dựng. Theo Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ, Bộ NN và PTNT Triệu Văn Hùng, để có thể đưa giống mới, công nghệ mới vào trồng thì phải có khung pháp lý rõ ràng như quy định về khảo nghiệm đánh giá an toàn đa dạng sinh học môi trường, an toàn đối với sức khỏe con người. Ngoài ra, cũng cần tuyên truyền cho người dân, đội ngũ cán bộ, tránh tâm lý e ngại khi ứng dụng cây trồng biến đổi gen. Về mặt khoa học, nếu làm theo quy trình an toàn sinh học như hiện nay sẽ bảo đảm an toàn tuyệt đối.

Trong số 10 công ty lớn nhất thế giới trong lĩnh vực kinh doanh giống cây trồng, hiện có 2 công ty đang được Bộ NN và PTNT cho phép đưa giống cây biến đổi gen vào Việt Nam là Công ty Monsanto, Mỹ và Công ty Syngenta, Thụy Sỹ. Nếu khảo nghiệm trên diện rộng thành công, biểu hiện của các sản phẩm bảo đảm thì sẽ đưa vào sản xuất đại trà.

Năm 2010, Việt Nam đã trồng thử nghiệm ngô biến đổi gen ở Văn Giang, Hưng Yên; Long Thành, Bà Rịa – Vũng Tàu và cho kết quả khả quan. Theo dự định, đến tháng 4 chúng ta sẽ đưa giống ngô này vào trồng thử (khoảng 1ha), sau đó tổ chức hội đồng khảo nghiệm, đánh giá, nếu không có vấn đề gì về an toàn đa dạng sinh học thì có thể kiến nghị để đưa ra đồng ruộng, sớm nhất là năm 2012.

Kết quả khảo nghiệm ở miền Bắc và miền Nam cho thấy, ngô biến đổi gen không có biểu hiện bị hại sau khi phun thuốc trừ cỏ và gây nhiễm sâu bệnh nhân tạo, năng suất các giống ngô này cũng cao hơn 30% so với các giống ngô trong nước. Bên cạnh đó, mục tiêu khi trồng ngô biến đổi gen ở nước ta trước tiên là phục vụ cho chăn nuôi gia súc, gia cầm chứ chưa đặt ra vấn đề dùng cho thực phẩm. Kỳ vọng đến năm 2015, ngô biến đổi gen sẽ phủ được 15 – 30% trong tổng diện tích 1 triệu ha trồng ngô ở Việt Nam.

Vụ trưởng Vụ Khoa học – Công nghệ, Bộ NN và PTNT Triệu Văn Hùng cho biết: nước ta đã chú trọng nghiên cứu một số giống cây biến đổi gen như ngô, cây lâm nghiệp nhưng vẫn đang trong quá trình khảo nghiệm. Cây trồng biến đổi gen có thể hoàn toàn an toàn trong phòng thí nghiệm nhưng việc đưa ra trồng trên đồng ruộng là vấn đề phức tạp.

Theo http://daibieunhandan.vn