Ngày 12 tháng 02 năm 2014, Chính phủ đã ra Nghị quyết số 10/NQ-CP về việc gia nhập Nghị định thư bổ sung Nagoya – Kuala Lumpur về nghĩa vụ pháp lý và bồi thường trong khuôn khổ Nghị định thư Cartagena về an toàn sinh học.
Đăng ngày 19-03-2014 trong chuyên mục Tin Việt Nam
Theo nội dung Nghị quyết: Chính phủ đồng ý việc Việt Nam gia nhập Nghị định thư bổ sung Nagoya – Kuala Lumpur về nghĩa vụ pháp lý và bồi thường trong khuôn khổ Nghị định thư Cartagena về an toàn sinh học (Sau đây gọi tắt là Nghị định thư bổ sung Nagoya – Kuala Lumpur).
Chính phủ giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan triển khai thực hiện Nghị định thư bổ sung Nagoya – Kuala Lumpur; xây dựng Nghị định quy định nghĩa vụ pháp lý và bồi thường thiệt hại do sinh vật biến đổi gen gây ra, trình Chính phủ xem xét, quyết định.
Nghị định thư bổ sung Nagoya – Kuala Lumpur được thông qua tại Cuộc họp các Bên tham gia Nghị định thư Cartagena về an toàn sinh học lần thứ 5 tại Nagoya, Nhật Bản năm 2010. Tính đến nay đã có 21 quốc gia, vùng lãnh thổ gia nhập Nghị định thư bổ sung Nagoya – Kuala Lumpur.
Mục tiêu của Nghị định thư bổ sung là góp phần bảo tồn và sử dụng bền vững ĐDSH, cân nhắc các rủi ro đến sức khỏe con người, thông qua thiết lập nguyên tắc và quy trình quốc tế về trách nhiệm pháp lý và bồi thường liên quan đến sinh vật biến đổi gen.
Phạm vi của Nghị định thư bổ sung Nagoya – Kuala Lumpur tập trung vào các thiệt hại gây ra bởi sinh vật biến đổi gen được vận chuyển xuyên biên giới, bao gồm việc vận chuyển có chủ đích và không chủ đích.
Nội dung của Nghị định thư bổ sung Nagoya – Kuala Lumpur tập trung vào việc xác định thiệt hại, trách nhiệm, nghĩa vụ của các bên liên quan trong ứng phó, khắc phục khi xảy ra thiệt hại, các giới hạn về thời gian và tài chính. Trong trường hợp xảy ra thiệt hại, các quốc gia tham gia Nghị định thư bổ sung có quyền yêu cầu tổ chức, cá nhân sở hữu sinh vật biến đổi genphải đáp ứng các yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền, gồm: thông tin ngay lập tức cho cơ quan có thẩm quyền; đánh giá thiệt hại; thực hiện các biện pháp ứng phó phù hợp. Cùng với đó, cơ quan có thẩm quyền sẽ xác định tổ chức, cá nhân gây ra thiệt hại; đánh giá thiệt hại và xác định những biện pháp ứng phó mà tổ chức, cá nhân cần phải thực hiện. Khi có thông tin liên quan cảnh báo nguy cơ thiệt hại sẽ xảy ra, tổ chức, cá nhân phải thực hiện các biện pháp ứng phó phù hợp nhằm tránh các thiệt hại. Trong trường hợp tổ chức, cá nhân không thể thực hiện được các biện pháp đó, cơ quan có thẩm quyền sẽ thực hiện các biện pháp ứng phó phù hợp và có quyền yêu cầu tổ chức, cá nhân phải chi trả chi phí đánh giá thiệt hại và chi phí thực hiện các biện pháp ứng phó phù hợp. Trách nhiệm chi trả các chi phí tuân theo quy định của quốc gia. Các quyết định của cơ quan thẩm quyền yêu cầu tổ chức, cá nhân thực hiện các biện pháp ứng phó phải hợp lý và phải được thông báo cho tổ chức, cá nhân. Tùy theo quy định của quốc gia, cơ quan có thẩm quyền phải thông báo cho tổ chức, cá nhân về các biện pháp khắc phục hiện hành.
Các nội dung về giới hạn thời gian, giới hạn tài chính và đảm bảo tài chính hoàn toàn tuân theo các quy định của quốc gia. Tương tự như vậy, nội dung về việc thực hiện các trách nhiệm dân sự cũng tuân theo quy định của quốc gia. Các bên tham gia có thể áp dụng theo quy tắc và thủ tục trách nhiệm dân sự chung hoặc xây dựng quy tắc và thủ tục riêng cho việc bồi thường thiệt hại do sinh vật biến đổi gen gây ra, hoặc là kết hợp cả hai hình thức trên.
Việc tham gia Nghị định thư bổ sung Nagoya – Kuala Lumpur sẽ góp phần thực hiện nghĩa vụ các cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên, đặc biệt là Công ước Đa dạng sinh học và Nghị định thư Cartagena về An toàn sinh học, các điều ước quốc tế liên quan đến ĐDSH khác, Kế hoạch thực hiện Tuyên bố Rio về Phát triển bền vững.
Việt Nam là quốc gia đang phát triển, có nhiều công ty đa quốc gia đã, đang và sẽ đăng ký triển khai các hoạt động nghiên cứu, phát triển, chuyển giao công nghệ, sản xuất và đầu tư kinh doanh sinh vật biến đổi gen tại Việt Nam. Việc tham gia Nghị định thư bổ sung sẽ tạo cho Việt Nam một cơ sở pháp lý quốc tế vững chắc hơn trong việc yêu cầu các tổ chức, cá nhân khi vận chuyển xuyên biên giới sinh vật biến đổi gen qua lãnh thổ Việt Nam nếu để xảy ra thiệt hại phải có trách nhiệm và bồi thường thiệt hại, thông qua đó sẽ hạn chế các rủi ro đến môi trường, ĐDSH và sức khỏe con người.
Theo Phòng Quản lý nguồn gen và An toàn sinh học
Cục Bảo tồn đa dạng sinh học