Hội đồng an toàn sinh học thẩm định hồ sơ đăng ký cấp Giấy chứng nhận an toàn sinh học đối với giống ngô BĐG mang sự kiện MON89034 và Bt11

Ngày 13 tháng 5 năm 2014, tại phòng họp trụ sở Bộ Tài nguyên và Môi trường, Hội đồng an toàn sinh học đã tiến hành các phiên họp chính thức thẩm định hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận an toàn sinh học đối với các giống ngô biến đổi gen mang sự kiện MON89034 và Bt11.

 

Phiên họp Hội đồng an toàn sinh học thẩm định hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận an toàn sinh học cho giống ngô mang sự kiện biến đổi gen MON89034 (gen kháng sâu đục thân) của Công ty TNHH Dekalb Việt Nam, là phiên họp đầu tiên của Hội đồng an toàn sinh học thẩm định hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận an toàn sinh học cho cây trồng biến đổi gen tại Việt Nam. PGS.TS. Bùi Cách Tuyến, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chủ trì phiên họp của Hội đồng cùngđông đảo các nhà quản lý, chuyên gia của các Bộ: Tài nguyên và Môi trường, Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Khoa học công nghệ và đại diện Công ty TNHH Dekalb Việt Nam.

Trên cơ sở nghe báo cáo giải trình của Công ty TNHH Dekalb Việt Nam về kết quả đánh giá rủi ro của giống ngô mang sự kiện biến đổi gen MON89034 đối với môi trường, đa dạng sinh học trên thế giới và các kết quả cụ thể được khảo nghiệm, đánh giá tại Việt Nam, ý kiến đánh giá của Tổ chuyên gia và các thành viên Hội đồng tham dự họp, Hội đồng đã bỏ phiếu thông qua báo cáo đánh giá rủi ro đối với môi trường và đa dạng sinh học của giống ngô biến đổi gen MON 89034 với điều kiện Công ty TNHH Dekalb Việt Nam phải hoàn thiện lại hồ sơ theo yêu cầu của Hội đồng, Tổ chuyên gia và gửi kèm theo Văn bản đến Cơ quan thường trực của Hội đồng để xét xét, xử lý trình cấp có thẩm quyền ra quyết định.

Phát biểu tại Hội đồng, Thứ trưởng – Chủ tịch Hội đồng PGS.TS. Bùi Cách Tuyến cho biết:việc thẩm định hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận an toàn sinh học của thực vật biến đổi gen có tính chuyên môn sâu. Do vậy, quy định của pháp luật hiện hành yêu cầu phải có hoạt động thẩm định của Tổ chuyên gia trong khi số lượng chuyên gia có đủ năng lực thẩm định các hồ sơ này là rất hạn chế ở Việt Nam hiện nay. Tuy nhiên, quá trình tiếp nhận, xử lý và thẩm định hồ sơ cấp Giấy chứng nhận an toàn sinh học đối với cây trồng biến đổi gen vẫn được thực hiện theo đúng trình tự, thủ tục và minh bạch để đảm bảo an toàn đối với môi trường, đa dạng sinh học cho các giống cây trồng biến đổi gen trước khi được cấp phép và giải phóng ra môi trường.

Cũng trong ngày 13 tháng 5 năm 2014, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức một phiên họp Hội đồng thẩm định hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận an toàn sinh học cho giống ngô biến đổi gen mang sự kiện Bt11 (kháng sâu đục thân) của Công ty TNHH Syngenta Việt Nam. Trên cơ sở kết luận của Hội đồng, các công ty sẽ tiếp tục hoàn thiện báo cáo đánh giá rủi ro để khẳng định tính an toàn đối với môi trường và đa dạng sinh học trước khi Hội đồng kiến nghị Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc cấp Giấy chứng nhận an toàn sinh học đối với các giống ngô biến đổi gen nói trên.

Theo Phòng Quản lý nguồn gen và An toàn sinh học,

Cục Bảo tồn đa dạng sinh học