Ngày 16 tháng 11 năm 2018 tại Tp. Hồ Chí Minh, Cục Bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học đã tổ chức Hội thảo “Tổng kết, đánh giá công tác quản lý an toàn sinh học và đề xuất kế hoạch lồng ghép nhằm quản lý có hiệu quả lĩnh vực này tại Việt Nam”.
Ngày 21 tháng 06 năm 2010, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 69/2010/NĐ-CP về an toàn sinh học đối với sinh vật biến đổi gen, mẫu vật di truyền và sản phẩm của sinh vật biến đổi gen. Trải qua hơn tám năm triển khai thực hiện, Nghị định đã và đang phát huy hiệu quả trong việc quản lý an toàn sinh học đối với sinh vật biến đổi gen, mẫu vật di truyền và sản phẩm của sinh vật biến đổi gen tại Việt Nam. Với các quy định được giao trách nhiệm cụ thể tại Nghị định số 69/2010/NĐ-CP, các Bộ có liên quan như: Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Khoa học và Công nghệ và Bộ Tài chính đã ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện Nghị định trong lĩnh vực mà các Bộ quản lý. Đến nay, có thể khẳng định các văn bản quy pham pháp luật để quản lý an toàn sinh học tại Việt Nam đã được xây dựng và ban hành tương đối đầy đủ.
Sự phát triển vượt bậc của công nghệ sinh học và những ứng dụng của chúng đã và đang đáp ứng các nhu cầu ngày càng tăng của con người trong tất cả các lĩnh vực của cuộc sống. Việc quản lý sinh vật biến đổi gen được tạo ra từ quá trình sử dụng công nghệ sinh học cũng cần được nhìn nhận để đảm bảo sự phát triển bền vững, đóng góp cho xã hội, đồng thời không làm gia tăng các rủi ro mà chúng có thể mang lại. Cộng đồng quốc tế hiện nay cũng đã và đang trao đổi rất nhiều về các biện pháp quản lý xuyên biên giới, tăng cường quản lý sau cấp phép tại các quốc gia. Để định hình được các nội dung quản lý cần điều chỉnh, cập nhật, việc rà soát, đánh giá quá trình triển khai các quy định hiện nay và xác định những khó khăn, vướng mắc là rất cần thiết.
Việt Nam cũng được ghi nhận là một trong những quốc gia đã thiết lập được hệ thống các cơ quan cấp phép đầy đủ và đã triển khai đầy đủ các hoạt động về quản lý an toàn sinh học tại cấp quốc gia (thông qua các hoạt động: cấp phép về khảo nghiệm, cho phép phóng thích ra môi trường, sử dụng làm thực phẩm, thức ăn chăn nuôi; thực hiện các hoạt động tăng cường năng lực và nâng cao nhận thức cho các cấp từ Trung ương đến địa phương về vấn đề quản lý an toàn sinh học đối với sinh vật biến đổi gen…). Năm 2015, đánh dấu Việt Nam là quốc gia thứ 29 trên thế giới cho phép canh tác cây trồng biến đổi gen. Việc cấp phép này đã đánh dấu một bước tiến quan trọng của Việt Nam đối với tiến trình ứng dụng công nghệ sinh học trong nông nghiệp.
Dưới sự chủ trì của Ông Nguyễn Thành Vĩnh, Phó cục trưởng Cục Bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học. Trong khuôn khổ Hội thảo, các đại biểu đã được nghe các bài trình bày của các báo cáo viên:
- GS.TS.Phạm Văn Toản, Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình bày về “Cây trồng biến đổi gen trên Thế giới và Việt Nam”
- TS. Lê Thị Thu Hiền, Viện Nghiên cứu hệ gen, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam trình bày về “Sinh học nhân tạo/tổng hợp: cập nhật các nghiên cứu và thảo luận quốc tế”
- Ths. Nguyễn Đặng Thu Cúc, Phòng Bảo tồn loài, Quản lý nguồn gen và An toàn sinh học, Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học, Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường trình bày về “Lồng ghép thực hiện quản lý an toàn sinh học và đề xuất điều chỉnh, bổ sung các quy định về nội dung này tại Việt Nam”
- Ths. Nguyễn Bá Tú, Phòng Bảo tồn loài, Quản lý nguồn gen và An toàn sinh học, Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học, Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường trình bày về “Tổng kết, đánh giá công tác quản lý an toàn sinh học đối với sinh vật biến đổi gen tại Việt Nam”
Sau phần trình bày của các báo cáo viên, TS. Nguyễn Thành Vĩnh chủ trì hội thảo tóm lược nội dung trình bày về quản lý, nghiên cứu, chính sách tại Việt Nam về sinh vật biến đổi gen và Công ước Đa dạng sinh học, CPB, Nghị định thư bổ sung và đề nghị hội thảo trao đổi về các vấn đề trọng tâm như sau: Các vấn đề về nghiên cứu và ứng dụng Công nghệ sinh học đối với sinh vật biến đổi gen; Công tác khảo kiểm nghiệm tại phía nam và thực hiện quản lý pháp luật về giống cây trồng biến đổi gen; Vấn đề quản lý của cơ quan hải quan đối với các giống có chứa sự kiện biến đổi gen; Hoàn thiện khung pháp lý trong thời gian tiếp theo.
Theo Phòng LNA, Cục BTĐD