Công nghệ sinh học giúp tăng năng suất
Nước biển dâng tàn phá đê biển ở Cà Mau. Ảnh: Nguyễn Như
|
TS Hà Thanh Toàn, phó hiệu trưởng trường ĐHCT, cho biết mối quan tâm về biến đổi khí hậu đã khiến Hoa Kỳ và Việt Nam thành lập Viện nghiên cứu Biến đổi khi hậu (DRAGON) đặt tại trường ĐHCT (Viện nghiên cứu khoa học đầu tiên đặt ngoài Hoa kỳ). ĐBSCL là 1 trong 5 đồng bằng bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất do biến đổi khí hậu và nước biển dâng.
Theo IRRI nhiệt độ tăng 1° sản lượng sẽ giảm 10%. Vào năm 2020, sản lượng lúa đông xuân của ĐBSCL sẽ giảm 22,4%, sản lượng nông nghiệp giảm 50% vào năm 2100. Phó tổng lãnh sự Hoa Kỳ tại TPHCM, ông Robert Ogburn, bày tỏ quan ngại khi năm 2020 hơn phân nửa diện tích ĐBSCL nhiễm mặn do biến đổi khí hậu và tình trạng nước biển dâng cao, sụt lún do biến đổi tầng nước ngầm, giảm nguồn phù sa khi thượng nguồn xây dựng chuỗi đập thủy điện, xâm nhập mặn làm ảnh hưởng lớn đến sản xuất nông nghiệp,… Làm sao giúp con người, cây trồng thích ứng được biến đổi khí hậu, tránh được dịch hại, gia tăng sản lượng nông nghiệp, làm sao CNSH giúp tăng thu nhập cho nông dân, giữ được vai trò hỗ trợ phát triển trong tương lai?
CNSH nông nghiệp đã phát triển rất nhanh kể từ lần đầu tiên được giới thiệu vào năm 1996. Từ 1996 đến 2010, lần đầu tiên trong vòng 15 năm qua tổng diện tích trồng trọt, vượt 1 tỉ héc ta. Năm 2010, kỷ niệm 15 năm thương mại hoá công nghệ sinh học nông nghiệp, một con số kỷ lục 15,4 triệu nông dân trồng các vụ mùa áp dụng công nghệ sinh học, 90% nông dân nghèo đã cải thiện thu nhập. Lợi nhuận ròng kinh tế toàn cầu của công nghệ sinh học trong năm 2010 ước tính là 150 tỉ USD, và dự kiến sẽ tăng 10-15% mỗi năm. Những lợi nhuận này tăng lên do sản lượng tăng và chi phí sản xuất giảm.
Những chia sẻ
Nước mặn tràn ngập. Ảnh: Nguyễn Như
|
Tiến sĩ Andrew D. Powell, giám đốc điều hành khu vực châu Á của công ty Asia Bio Business, cho rằng những biến đổi khí hậu được biết tới từ năm 1880 đến 2000 do cuộc cách mạng công nghiệp. Biến đổi khí hậu không phải vấn đề mới, vấn đề là làm gì để giảm thiểu, thích ứng khi những biến đổi nghiêm trọng hơn và nước biển dâng cao thêm 1m. Nông nghiệp thải ra 13 loại khí thải, đóng góp khí thải 14% vào việc nóng lên toàn cầu. Làm sao giảm lượng khí thải này? Làm sao biến đổi sinh học qua con đường chọn giống và CNSH? Làm sao vượt qua thử thách để vừa giảm lượng khí thải hiệu ứng nhà kính, CO2, N2O, methane, vừa chọn ra được cây trồng sống trong điều kiện thiếu nước, thậm chí bị hạn, chống chịu sâu bệnh, duy trì an ninh lương thực….?
An ninh lương thực là thử thách, khó khăn lớn nhất. Dân số thế giới sẽ lên tới 9 tỉ người vào 2050, phải tăng sản lượng lương thực gấp đôi. Hơn 50% tập trung ở đô thị. Liệu nguồn lương thực hữu hiệu sẳn có, người dân có mua được không? Chất lượng có an toàn? Năm 2007-2008, giá lương thực tăng cao ở nhiều nước, làm vấn đề trầm trọng hơn. Khi sung túc ăn uống khác nhau. Họ ăn nhiều thịt hơn. Trung Quốc năm 1962, mỗi người ăn 4 kg thịt/năm. Năm 2005, mức ăn bình quân 60 kg thịt/người/năm. Họ cần cá, cá cần thức ăn nhiều hơn để chuyển hóa thành dưỡng chất. Dân số gia tăng, dân số tập trung ở đô thị, họ dễ biểu lộ phản ứng khi không hài lòng. Họ sử dụng mọi công cụ thể hiện giận dữ như Ai Cập. Chính sách giảm đói nghèo nhưng đói nghèo tăng lên. 60% dân số thế giới sống ở Châu Á. Những cái khó ở châu Phi cũng xuất hiện ở Châu Á. Giá cả tăng làm đời sống khó hơn. Phải làm gì để cân đối nhu cầu của loài người vào năm 2050. “Một lần nữa, CNSH sẽ giúp cho sản lượng tăng bảo đảm tiêu dùng”, TS Andrew D. Powell tin như vậy.
Tăng cường hợp tác
Trận lũ vừa qua là lũ lớn trong vòng 500 năm trở lại đây ở Hoa Kỳ, trong khi đó ở ĐBSCL lại không có lũ trong mấy năm liền. Đó là khác biệt chưa được chia sẻ thông tin đúng mức giữa các nhà khoa học.
TS Lý Nguyễn Bình, phó trưởng khoa khoa Nông nghiệp – sinh học ứng dụng, trường ĐHCT, nhận xét “Biến đổi khí hậu ở ĐBSCL diễn ra nhanh hơn, gay gắt hơn. Hiện nay, các nhà khoa học đã ứng dụng công nghệ sinh học để tìm ra giống chịu mặn 6‰, kháng được sâu bệnh, lúa thơm hơn. Các nhà khoa học đã nhận nhiều đặt hàng trong lĩnh vực chọn giống cây trồng và vật nuôi”. Theo TS Bình, bằng nhiều cách tiếp cận, ứng dụng công nghệ sinh học, việc nghiên cứu đa dạng nguồn thịt từ nguồn gen tự nhiên thay nguồn gen đã công nghiệp hóa đang được thực hiện.
TS Nguyễn Thị Hoàng Oanh, có cái nhìn tinh tường về biến đổi khí hậu: “Sẽ có vùng này bất lợi, vùng khác có lợi hơn khi biến đổi khí hậu. Dù thế nào thì sự thay đổi đặc tính sinh học của vật nuôi khi bị sốc, việc nghiên cứu di truyền, so sánh các quần thể, đánh giá di truyền và sự đa dạng di truyền để chọn ra dòng tốt của cá tôm thật hết sức cần thiết”. TS Oanh cho biết những thành công trong ứng dụng kỹ thuật phân tử phát hiện nhanh mầm bệnh trên tôm cá, tìm ra virus gây bệnh từ tôm thẻ chân trắng, phát hiện bệnh đục cơ trên tôm càng xanh…đã giúp cho các ngành hàng chủ yếu của ĐBSCL trụ được trên thị trường.
Các nhà khoa học kỳ vọng , sau cuộc gặp gỡ này ở Cần Thơ và Dak lak, nhiều hướng hợp tác sẽ mở ra giữa Việt Nam và Hoa Kỳ. TS Hà Thanh Toàn, người từng được đào tạo tại Mỹ về công nghệ sinh học, cho biết hiện nay trường Đại học Cần Thơ có hơn 100 nhà khoa học đang hoạt động trực tiếp hoặc liên quan lĩnh vực công nghệ sinh học. Nhiều chương trình hợp tác đang được thực hiện giữa Việt Nam- Hoa Kỳ. Lực lượng này sẳn sàng mở rộng hợp tác hơn nữa gắn với những dự báo biến đổi khí hậu.
Theo bộ NN&PTNT, năm nay Việt Nam đã tiến hành khảo nghiệm trồng ngô biến đổi gen trên diện rộng và kết quả đạt được rất khả quan.
Theo sgtt.vn