Khu bảo vệ cảnh quan Yên Lập, Phú Thọ

Cây cầu sắt của Yên Lập, Phú Thọ – Nguồn: https://www.bachhoaxanh.com/

Khu vực văn hóa lịch sử Phục Cổ huyện Yên Lập có diện tích 330ha nằm trên địa bàn xã Minh Hòa, huyện Yên Lập.

Cùng với việc thành lập chiến khu Vạn Thắng, huyện Cẩm Khê vào tối ngày 23 tháng 6 năm 1945, các đảng viên thuộc Chi bộ Thạch Đê – Cát Trù, huyện Cẩm Khê triển khai xây dựng chiến khu Phục Cổ (nay thuộc xã Minh Hòa huyện Yên Lập). Ban đầu, xây dựng căn cứ du kích Phục Cổ dựa vào địa hình lòng chảo hiểm trở bố phía có núi đồi bao quanh lại tiếp giáp với chiến khu Vạn Thắng (Cẩm Khê) để tạo thế liên hoàn, hỗ trợ lẫn nhau khi xảy ra chiến sự. Ngày đầu, ngoài một số đảng viên kiên trung của chi bộ Cát Trù – Thạch Đê, còn vận động kêu gọi thanh niên trai tráng tham gia đội quân du kích ở xã Phục Cổ và Cát Trù tham gia. Vũ khí của đội du kích ban đầu còn rất thô sơ, chủ yếu là dao, kiếm, mã tấu, súng săn… do điều kiện lúc đầu chưa có sự lãnh đạo của Ban cán sự đảng nên đội du kích Phục Cổ hoạt động còn mang tính chất tự phát, về sau đội du kích được đặt dưới sự lãnh đạo cảu Ban cán sự đảng Phú – Yên ( Phú Thọ – Yên Bái) do đồng chí Lê Quang Ấn trực tiếp phụ trách và được cán bộ quân sự của chiến khu Vần – Hiến Lương về trực tiếp giúp đỡ huấn luyện cả về chính trị và quân sự nên đội du kích đã lớn mạnh nhanh chóng.

Trước yêu cầu cần phát triển lực lượng nhanh chóng để khởi nghĩa giành chính quyền, Ban cán sự Phú – Yên (Phú Thọ và Yên Bái) đã cử cán bộ đến vận động ông Hoàng Mẫn Tuệ (Ký Thọ – con trai cụ Đề Kiều là một lãnh tụ trong phong trào Cần Vương ở Phú Thọ), là một điền chủ có thế lực, một kỳ hào yêu nước sẵn có một đơn vị nhỏ có vũ trang với số vũ khí mua được khi Nhật đảo chính Pháp do quân Pháp bỏ lại gồm một số khẩu súng máy và đang có kế hoạch chuẩn bị đánh quân Nhật. Ông Ký Thọ đã chấp nhận lời mời của đội du kích Phục Cổ và tự nguyện đem lực lượng và số vũ khí của mình sáp nhập và đội du kích Phục Cổ. Do vậy mà số quân của đội du kích được tăng lên nhanh chóng với số vũ khí được trang bị nhiều hơn. Đến tháng 6 năm 1945, đội du kích được thành lập và chiến khu Phục Cổ chính thức được ra đời để cùng với các chiến khu Vạn Thắng (Cẩm Khê) – Vần – Hiền Lương (Hạ Hòa) chuẩn bị chờ thời cơ vùng lên khởi nghĩa giành chính quyền trên địa bàn tỉnh Phú Thọ. Ban chỉ huy của đội du kích chiến khu Phục Cổ ngày đầu thành lập gồm có: Ông Hoàng Mẫn Tuệ ( Ký Thọ) và các đồng chí đảng viên Trần Văn Cần, Kiều Viết Lân cùng với lực lượng du kích gần 70 đội viên biên chế thành 2 trung đội với số vũ khí được trang bị hơn 30 khẩu sùng trường. Ngày đầu xuất quân, đội quân du kích của chiến khu đã tiến đánh phá kho thóc của Nhật tại xã Chí Chủ, huyện Thanh Ba thu hơn 40 tạ gạo để nuôi quân và chia cho dân nghèo. Đến ngày 17 tháng 8 năm 1945, lực lượng du kích của chiến khu Phục Cổ phối hợp với du kích của chiến khu Vạn Thắng tiến đánh huyện lỵ Cẩm Khê, buộc tri huyện Cẩm Khê là Nguyễn Quế phải bỏ trốn, bộ máy quan lại và binh lính bỏ trốn và đầu hàng, giao nộp vũ khí cho quân cách mạng. Tiếp đó, quân du kích còn tiến đánh địch ở làng Phú Lạc tịch thu hơn 40 tạ thóc và 2 tạ muối của Nhật đem phát cho nhân dân. Chỉ trong ít ngày, lực lượng du kích thuộc chiến khu Phục Cổ và Vạn Thắng đã làm chủ tình hình thuộc địa bàn huyện Cẩm Khê, Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời của huyện được thành lập do đồng chí Đặng Ngọc Ky làm chủ tịch. Cùng ngày, một đơn vị du kích của chiến khu Phục Cổ phối hợp với đội du kích của chiến khu Vần – Hiền Lương do đồng chí Trần Quang Bình chỉ huy tiến hành khởi nghĩa ở châu Yên Lập buộc tri châu Yên Lập là Nguyễn Phúc Thuần phải chạy trốn, toàn bộ bộ máy quan lại cai trị và quân lích hạ vũ khí đầu hàng nộp toàn bộ tài sản, vũ khí cho quân khởi nghĩa. Đến cuối tháng 8 năm 1945, Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời huyện Yên Lập được thành lập do ông Hoàng Văn Thu làm chủ tịch.

Sáng ngày 22 tháng 8 năm 1945, theo lệnh điều động của các đồng chí ủy viên Ban cán sự Phú – Yên tại tỉnh Phú Thọ, lực lượng du kích từ hai chiến khu Vạn Thắng và Phục Cổ được điều động đi bằng thuyền trên sông Thao ra cập bến Đá của thị xã để tăng cường lực lượng cho thị xã Phú Thọ, cùng với lực lượng vũ trang toàn tỉnh tiến hành tổng khởi nghĩa giành chính quyền tại tỉnh lỵ Phú Thọ. Lực lượng du kích của chiến khu Phục Cổ được bố trí đóng quân từ xã Thanh Lâu (nay là xã Thanh Minh) xuống nhà thương thuộc phố Cao Bang (nay là bệnh viện đa khoa thị xã Phú Thọ). Đến sáng ngày 25 tháng 8 năm 1945, theo đúng kế hoạch đã được chuẩn bị, các thành viên của Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời tỉnh Phú Thọ đã dẫn đầu các lực lượng vũ trang tiến đánh các công sở trên địa bàn thị xã, tỉnh trưởng Phú Thọ là Nguyễn Bách đã đầu hàng và giao nộp toàn bộ sổ sách, ấn triện và tài sản của chính quyền bù nhìn cho lực lượng Việt Minh. Một lực lượng Việt Minh khác đã đến doanh trại của quân Nhật thông báo cho chúng biết lực lượng Việt Minh đã chiếm đóng toàn bộ các công sở của chính quyền bù nhìn thân Nhật tại thị xã. Quân Nhật chấp nhận đầu hàng vô điều kiện và giao nộp vũ khí, chính thức chấm dứt sự bảo hộ của bộ máy cai trị và tay sai tại tỉnh lỵ Phú Thọ. Một cuộc mít tinh lớn đã được tổ chức tại sân vận động thị xã với sự tham gia của hàng vạn quần chúng, nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh nô nức kéo về chào mừng cách mạng thành công. Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời tỉnh Phú Thọ được thành lập do đồng chí Phan Huy Chữ làm chủ tịch, đồng chí Trần Văn Cần làm phó chủ tịch.

Cùng với hai chiến khu cách mạng trên địa bàn tỉnh Phú Thọ là Vạn Thắng và chiến khu Vần – Hiền Lương, hiến khu Phục Cổ đã có vai trò quan trọng đóng góp trong cuộc tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945 giành chính quyền trên địa bàn tỉnh Phú Thọ, cùng với nhân dân các dân tộc tỉnh Phú Thọ làm nên cuộc cách mạng ” long trời, lở đất” giành chính quyền về tay nhân dân.

Ngày nay, khu căn cứ chiến khu Phục Cổ thuộc xã Minh Hòa, huyện Yên Lập đã được Ủy ban nhân tỉnh Phú Thọ ra quyết định số 2154/QĐ -UB ngày 6 tháng 10 năm 1998 xếp hạng di tích lịch sử để làm căn cứ pháp lý cho công tác bảo tồn và phát huy giá trị của di tích trong việc giáo dục lòng yêu nước và truyền thống đấu tranh chống giặc ngoại xâm cho các thế hệ trẻ trên địa bàn tỉnh nhằm phát huy tinh thần Cách mạng tháng Tám năm 1945 trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam hôm nay và mai sau .