Cây thu hải đường – Nguồn: https://caycongtrinh.info/
Được thành lập từ năm 1986, Khu bảo tồn thiên nhiên Nam Ka là một trong năm khu rừng đặc dụng của tỉnh Đắk Lắk, phần chính của khu bảo tồn nằm gọn trong toàn xã Nam Ka huyện Lăk.
Đây là khu bảo tồn có hệ động, thực vật, đất đai và cảnh quan vô cùng phong phú của các hệ sinh thái rừng nhiệt đới từ núi cao, gò đồi, thung lũng và đầm lầy, là vùng rừng đầu nguồn hợp lưu của hai con sông Krông Nô và Krông Na (sông Đực và sông Cái) để tạo nên Sêrêpôk, con sông dài và đặc trưng nhất của Đắk Lắk.
Khu Bảo tồn thiên nhiên Nam Ka là vùng núi thấp nằm ở phía tây của dãy núi cao nhất tỉnh Đắk Lắk (cao 2.442m), được ngăn cách bởi cao nguyên Đăk Nông, Di Linh bằng ranh giới BaZan, còn ở phía Nam là ranh giới trầm tích Heogen thuộc vùng đồi cao Cát Tiên và phía Bắc giáp với trũng Krông Păk – Lăk. Địa hình thuộc kiểu núi thấp, độ cao trung bình từ 100 – 1.100m chạy theo hướng thấp dần từ Đông Bắc xuống Tây Nam. Khí hậu nơi đây mang nhiều đặc điểm của khí hậu cao nguyên nhiệt đới gió mùa với sự phân hoá 2 mùa rõ rệt trong năm là mùa khô và mùa mưa.
Nhờ khí hậu nhiệt đới ẩm, gió mùa nên thảm thực vật ỏ Khu bảo tồn thiên nhiên Nam Ka rất đa dạng và phong phú. Đến nay đã thống kê được có tất cả 587 loài thực vật bật cao thuộc 149 họ và 61 bộ. Trong đó có tới 382 loài thực vật có thể dùng làm dược liệu, nhiều loại có giá trị kinh tế cao như Sa nhân, Ngũ gia bì, Thiên niên kiện, Mã tiền…Bên cạnh đó, Khu bảo tồn thiên nhiên Nam Ka cũng có tới 78 loài cây có thể dùng làm cảnh, trang trí nội thất rất đẹp, đáng kể là Thu hải đường, Phong lan, Ráy, Thiên lý…và nhiều loài cây gỗ quý có giá trị cao về mặt kinh tế như cây Trầm, Cẩm lai, Sơn huyết, Giáng hương, Cà te, Săng đào, Trắc, Kiền kiền…
Về hệ động vật cũng khá đa dạng, trong đó có 140 loài chim thuộc 43 họ, 17 bộ, đặc trưng nhất là loài chim nước như Cò ngang nhỏ, Cò ngang lớn, Cò trắng, Vịt đầu vàng, Diệc lửa, Choắt nhỏ, Cao cát bụng trắng, Hồng hoàng, Đà lôi hồng tín, Trĩ, Sáo phường chèo…
Về thú có 56 loài thuộc 24 họ và 9 bộ, nhều nhất là Vượn đen, Vọoc vá, Khỉ mắt đỏ, Gấu ngựa, Gấu chó, Voi, Nai, Hoẵng, Lợn rừng…
Về loài lưỡng cư bò sát có 50 loài thuộc 16 họ và 4 bộ như: Cá sấu nước ngọt, Ba ba Nam bộ, Ba ba sông, Kỳ đà, Trăn hoa, Kỳ đà núi, rắn và ếch nhái các loại.
Đặc biệt nơi đây còn tồn tại nhiều loài động vật quý hiếm có trong sách đỏ thế giới cần được bảo vệ như : Voi, Bò tót, Vọoc vá, Cầy giông, Gà lôi, Gà tiền, Cá sấu, Hổ, Chó, Gấu ngựa …
Nguồn: Nguồn: Cục BTTN & ĐDSH