Bộ Tài nguyên và Môi trường có vai trò quan trọng trong lộ trình đưa cây trồng biến đổi gen ra sản xuất. NNVN đã có cuộc trao đổi với bà Hoàng Thị Thanh Nhàn – Phó Cục trưởng Cục Bảo tồn đa dạng sinh học, Bộ TN-MT về vấn đề này.
Mặc dù Bộ TN-MT đã ban hành thông tư đánh giá an toàn sinh học (ATSH) cây trồng biến đổi gen nhưng quá trình xem xét hồ sơ hiện vẫn chưa được tiến hành, trong đó có lý do “chưa có thông tư hướng dẫn việc thu phí thẩm định và đánh giá hồ sơ”.
Rõ ràng, việc thực hiện thiếu đồng nhất đã ảnh hưởng rất lớn đến kế hoạch triển khai ứng dụng công nghệ sinh học vào sản xuất. Câu hỏi đặt ra là bao giờ thông tư này sẽ được ban hành? Nếu thông tư ban hành thì liệu tiến độ có thể được đảm bảo, thưa bà?
Bà Hoàng Thị Thanh Nhàn: Theo quy định của Nghị định số 69/2010/NĐ-CP ngày 21/6/2010 của Chính phủ về ATSH đối với sinh vật biến đổi gen, mẫu vật di truyền và sản phẩm của sinh vật biến đổi gen, Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ TN-MT quy định cụ thể về mức phí, việc quản lý và sử dụng phí thẩm định hồ sơ cấp giấy chứng nhận ATSH.
Trong thời gian qua, Bộ TN-MT đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính trong quá trình xây dựng dự thảo thông tư về thu phí nêu trên. Bộ Tài chính cũng đã đăng tải trên trang thông tin điện tử và gửi dự thảo thông tư đến các bộ để lấy ý kiến góp ý theo đúng trình tự ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Sau khi thông tư thu phí được Bộ Tài chính ban hành và có hiệu lực thực thi, Bộ TN-MT sẽ tiến hành triển khai quá trình thẩm định hồ sơ theo đúng quy định tại Thông tư số 08/2013/TT-BTNMT ngày 16/5/2013 của Bộ trưởng Bộ TN-MT (quy định trình tự, thủ tục cấp và thu hồi giấy chứng nhận ATSH đối với cây trồng biến đổi gen).
Hiện nay, các công việc đang được tiến hành đúng trình tự, thủ tục theo quy định.
Theo bà ngoài chuyện thông tư thu phí thiếu ra, lộ trình đưa cây trồng chuyển gen ra sản xuất còn gặp những khó khăn, vướng mắc nào? Vì sao lại có những khó khăn như vậy?
Bà Hoàng Thị Thanh Nhàn: Hiện nay, các quy định pháp lý về quản lý cây trồng biến đổi gen của Việt Nam tương đối đầy đủ gồm Nghị định 69/2010/NĐ-CP về ATSH đối với sinh vật biến đổi gen, mẫu vật di truyền và sản phẩm của sinh vật biến đổi gen, Thông tư số 08/2013/TT-BTNMT quy định trình tự, thủ tục cấp, thu hồi giấy chứng nhận ATSH đối với cây trồng biến đổi gen, Thông tư số 02/2014/TT-BNNPTNT quy định trình tự, thủ tục cấp và thu hồi giấy xác nhận thực vật biến đổi gen đủ điều kiện làm thực phẩm và thức ăn chăn nuôi…
Về mặt chủ trương, Chính phủ ủng hộ việc phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong sản xuất và đời sống đi đôi với đảm bảo an toàn đối với môi trường, đa dạng sinh học và sức khỏe con người.
Như vậy, về cơ bản chúng tôi chưa nhận thấy các khó khăn. Nếu quá trình thử nghiệm, đánh giá, cấp phép tuân thủ đầy đủ các quy định nêu trên và cây trồng biến đổi gen được chứng minh là an toàn đối với sức khỏe con người, môi trường và đa dạng sinh học thì sẽ sớm được áp dụng trong thực tiễn.
Bao giờ người nông dân Việt Nam có thể tiếp cận với cây trồng chuyển gen?
Bà Hoàng Thị Thanh Nhàn: Theo quy định tại Nghị định 69/2010/NĐ-CP và Thông tư số 08/2013/TT-BTNMT, thời gian thẩm định và xem xét cấp giấy chứng nhận ATSH là 210 ngày. Nếu cây trồng biến đổi gen được hội đồng thẩm định là an toàn đối với môi trường và đa dạng sinh học thì Bộ TN-MT sẽ cấp giấy chứng nhận ATSH.
Sau đó, các công ty sở hữu cây trồng biến đổi gen có thể tiến hành các bước cần thiết để chuyển giao cây trồng biến đổi gen đến tay người nông dân theo quy định.
Quan điểm của Cục về cây trồng chuyển gen ra sao? Nó có tác động gì tới đa dạng sinh học cũng như môi trường không?
Việc ứng dụng và triển khai các thành tựu của công nghệ sinh học trong đó có sinh vật biến đổi gen đi đôi với đảm bảo an toàn đối với môi trường, đa dạng sinh học và sức khỏe con người là chủ trương của Chính phủ. Với chức năng và nhiệm vụ được giao, Cục Bảo tồn Đa dạng Sinh học nghiêm túc thực hiện các quy định pháp lý về quản lý an toàn sinh học đối với sinh vật biến đổi gen.
Hiện nay, trên thế giới vẫn tồn tại lo ngại về nguy cơ ảnh hưởng của cây trồng biến đổi gen đến đa dạng sinh học và môi trường như: trôi gen, khả năng trở thành cỏ dại, tác động đến một số sinh vật không chủ đích, hoặc ảnh hưởng đến sức khỏe con người như gây độc, dị ứng…
Vì thế, dù ở các nước có chủ trương phát triển mạnh mẽ cây trồng biến đổi gen như Mỹ, Úc hay rất thận trọng trong việc phát triển cây trồng biến đổi gen như các nước châu Âu đều có các quy định và quy trình kiểm soát chặt chẽ đối với cây trồng biến đổi gen để đảm bảo đưa đến cho người sử dụng sản phẩm an toàn. Quy trình này được thực hiện từ khâu tạo ra cây trồng biến đổi gen trong phòng thí nghiệm, khảo nghiệm, đánh giá an toàn đối với môi trường và sức khỏe con người.
Xin cảm ơn bà!
Giờ đây, Việt Nam đã thiết lập được cơ sở pháp lý để quản lý an toàn đối với sinh vật biến đổi gen nói chung và cây trồng biến đổi gen nói riêng. Vấn đề là chúng ta cần tuân thủ các quy định pháp lý đã được đặt ra, đồng thời kịp thời tiếp cận các thông tin và công nghệ tiên tiến, hiện đại trên thế giới – Bà Hoàng Thị Thanh Nhàn. |
Theo Dương Đình Tưởng/Nông nghiệp Việt Nam