Phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn đến năm 2020 đối với cây trồng biến đổi gen

Với mục tiêu tạo ra các giống cây trồng, vật nuôi, chủng vi sinh vật, các chế phẩm công nghệ sinh học nông nghiệp mới có năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế cao phục vụ tốt nhu cầu chuyển đổi cơ cấu kinh tế trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn. Nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của nông sản hàng hoá, tăng nhanh tỷ lệ nông, lâm, thuỷ sản chế biến phục vụ tốt nhu cầu tiêu dùng và xuất khẩu. Ngày 12 tháng 01 năm 2006, Chính phủ đã Phê duyệt “Chương trình trọng điểm phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn đến năm 2020”. Trong đó, Chương trình đã đưa một số cây trồng biến đổi gen vào sản xuất và đến năm 2020 sẽ nâng diện tích cây trồng biến đổi gen lên 30-50% trong tổng số 70% diện tích giống được tạo ra bằng công nghệ sinh học.

Tuy nhiên, theo Báo VietQ.vn 23/05/2018 phỏng vấn Giáo sư, Viện sỹ Trần Đình Long – Chủ tịch Hội Giống cây trồng Việt Nam trong bài Cần đánh giá thực phẩm biến đổi gen thận trọng:

Một trong những giải pháp trong tâm trong chương trình trọng điểm phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn đến năm 2020 cũng đặt ra con số đó là tăng diện tích cây trồng biến đổi gen lên mức là 30 – 50% diện tích đất nông nghiệp. Vậy con số đặt ra như vậy để đáp ứng được vấn đề an ninh lương thực hay không?

Kế hoạch về vấn đề an ninh lương thực ở Việt Nam cũng đã được đưa ra cách đây nhiều năm và đã đạt được mục tiêu chứ không phải chờ cây trồng biến đổi gen mới giải quyết được vấn đề an ninh lương thực. Tuy nhiên, phải hiểu theo nghĩa đây là một kế hoạch quy hoạch, lúc đó cả các nhà khoa học, nhà chính sách, địa phương, nhà quản lý đều hy vọng đến năm 2020 sẽ có 30- 50% diện tích nông nghiệp trồng cây biến đổi gen. Nhưng nếu các nhà khoa học làm giống thì điều đó không khả thi.

Thời điểm làm chính sách cứ nghĩ giống cây biến đổi gen giống như “cây đũa thần” giải quyết được các vấn đề nhưng thực tế cây trồng hay thực phẩm biến đổi gen chỉ có những ưu điểmở một góc độ nhất định. Và khi chọn tạo giống mới, người ta có thể sử dụng di truyền phân tử, quy tụ gen, công nghệ tế bào… và có thể đột biến, có thể lai tạo để chọn tạo ra giống mới và công nghệ chuyển gen chỉ là một trong những công nghệ thôi chứ không phải là tất cả cho nên kế hoạch thực hiện như vậy sẽ không thể thực hiện được vì nó không có cơ sở khoa học.

Có ý kiến cho rằng chuyển gen vào cây trồng để tạo ra giống cây mới là sự can thiệp quá mạnh vào tạo hóa, ông nghĩ sao về ý kiến này?

Nhận định này là chính xác. Cái gì là thuộc về tự nhiên nó sẽ bảo vệ cân bằng sinh thái. Nếu con người can thiệp vào nó sẽ có mặt lợi cho con người về mặt kinh tế, nhưng cái gì cũng có mặt trái, khi can thiệp quá mạnh như giống cây trồng biến đổi gen là tạo ra hoàn toàn một cơ thể mới, điều đó sẽ dẫn tới mất cân bằng sinh thái.

Trên thế giới khi phát triển cây trồng biến đổi gen đều có đánh giá rủi ro về môi trường, về đa dạng sinh học, đánh giá về tác động tới sức khỏe con người hay không. Việc đánh giá cây trồng biến đổi gen không phải là thời gian ngắn mà là cả quá trình. Hiện trên thế giới có nhiều luồng ý kiến về việc sử dụng thực phẩm biến đổ gen, có ủng hộ, có phản đối và có tiếp cận sử dụng một cách thông minh. Nghĩa là không cấm sử dụng nhưng mà minh bạch và Việt Nam chúng ta đang thực hiện theo hướng này.

Nguồn: Tổng hợp