Sâm Ngọc Linh là một cây thuốc quý còn hơn cả nhân sâm nhờ vào số lượng và hàm lượng hoạt chất cao.
TS Võ Thị Đào đang kiểm tra cây sâm Ngọc Linh trong phòng thí nghiệm |
Qua thực nghiệm, các báo cáo khoa học đều nhìn nhận hiệu quả phục hồi và bồi bổ sức khỏe của sâm Ngọc Linh còn cao hơn nhân sâm của Triều Tiên, Trung Quốc. Phạm vi phân bố trong tự nhiên của sâm Ngọc Linh tương đối hẹp, chỉ từ độ cao 1.500 – 2.000 m dưới tán rừng già ẩm ướt, nhiều lá mục ở núi Ngọc Linh, ranh giới của 3 tỉnh Kon Tum, Quảng Nam và Quảng Ngãi. Trên thị trường hiện nay giá sâm Ngọc Linh tươi đã lên tới 50 triệu/100 gr.
Sâm Ngọc Linh đắt bởi không những là vị thuốc cực tốt mà còn sinh trưởng chậm. Mỗi năm cây chỉ sinh trưởng từ tháng 4 đến tháng 11, sau đó thân lá lụi đi chỉ còn rễ của cây sống tiềm sinh đến tháng 4 năm sau. Cứ như vậy sau 6 năm mới thu hoạch với mỗi củ chỉ khoảng 50-70 gr.
Để cung ứng cho nhu cầu thị trường ngày mỗi cao, trong nước đã có nhiều thành công trong việc nhân giống bằng nuôi cấy mô và nhân giống bằng hạt. Tuy nhiên do sinh trưởng chậm và điều kiện trồng và chăm sóc khó khăn nên vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu.
Học tập cách làm của Hàn Quốc trong việc nuôi rễ tơ ở quy mô công nghiệp cây nhân sâm, TS Võ Thị Đào, thuộc Trung tâm Công nghệ sinh học TP Hồ Chí Minh đang tiến hành nghiên cứu chuyển gen cho cây sâm Ngọc Linh. Khác với phương pháp của Viện Sinh học Tây Nguyên là sau khi tạo được rễ tơ từ mô sẹo thì đưa vào môi trường nhân nuôi đặc biệt, lắc để phát triển sinh khối, phương pháp của TS Đào là chuyển gen sinh trưởng cho rễ tơ để rễ tơ phát triển tự nhiên.
Theo TS Đào, các thí nghiệm của chị hiện mới đi được 3 phần trong phác đồ thí nghiệm. Tuy nhiên khả năng thành công cao bởi các nước tiến tiến như Hàn Quốc, Trung Quốc đã thành công tương tự với cây nhân sâm và một số dược liệu quý hiếm khác.
Theo nongnghiep.vn