Thực phẩm biến đổi gen, sắp đến hồi khai cuộc

Liên quan đến những bước đi được cho là quá thận trọng, thậm chí chậm trễ của VN trong việc ứng dụng sinh vật biến đổi gen, NNVN đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Phạm Văn Toản, nguyên Chánh Văn phòng Chương trình công nghệ sinh học Nông nghiệp, Bộ NN-PTNT…

Nhiều người đang rất sốt ruột chuyện VN chậm cho trồng cây biến đổi gen trên diện rộng, là một người trong cuộc, ông thấy thế nào?

Tôi có thể khẳng định Bộ NN-PTNT gần như đã làm một cách sốt sắng, hết sức có thể chuyện này. Hiện chúng ta đã khảo nghiệm diện hẹp được hai vụ và khảo nghiệm diện rộng đang làm ở Vĩnh Phúc, Sơn La, Tây Nguyên… với 3 Cty tham gia, mỗi đơn vị khoảng 1 ha ở 1 điểm. Dự kiến tới tháng 7, lúc thu hoạch, Bộ NN-PTNT sẽ hoàn thành nhiệm vụ của phía mình.

Bộ Tài nguyên và Môi trường trên cơ sở toàn bộ dữ liệu, hồ sơ của Bộ NN-PTNT gửi sang sẽ thành lập Hội đồng an toàn sinh học cấp quốc gia để xem xét, đánh giá rủi ro, cấp giấy chứng nhận an toàn sinh học đối với đa dạng sinh học và môi trường. Chỉ khi có chứng nhận đó chúng ta mới có thể đem cây trồng sinh học ra sản xuất ở diện rộng. Quả bóng sắp được chuyền sang Bộ Tài nguyên và Môi trường nhưng tôi được biết Hội đồng an toàn sinh học đến giờ vẫn chưa được thành lập, chưa có gì cả nên nếu trong tháng 7 mọi thủ tục khảo nghiệm xong, may ra cuối năm Hội đồng này mới được lập.

Chiểu theo nghị định quy định trong vòng tối đa 180 ngày, Bộ Tài Nguyên và Môi trường nhận được hồ sơ của Bộ NN-PTNT sẽ cấp giấy chứng nhận. Do đó nếu Bộ Tài nguyên và Môi trường tham gia tích cực thì đầu năm 2012 cây trồng biến đổi gen mới được phép ra diện rộng, còn chậm thì phải cuối năm 2012.

Nhà doanh nghiệp hiện đang rất xót của khi chứng kiến những sản phẩm mà cả thế giới đang dùng phổ biến và được coi là tiến bộ của nhân loại ở VN khi khảo nghiệm xong vẫn phải chôn hủy?

Đúng là có chuyện đó nhưng đã luật thì phải theo thôi. Liên quan đến việc sử dụng sản phẩm biến đổi gen làm thức ăn chăn nuôi, tôi đã viết dự thảo, hiện đang chỉnh sửa, chỉ tuần sau là xong để gửi lên Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường hoàn thiện. Dự thảo đó sẽ được chuyển sang Phòng Cải cách Hành chính của Bộ NN-PTNT kiểm tra, có thể chỉ trong tháng 5 này là ban hành.

Với thực phẩm biến đổi gen, lĩnh vực này trước vẫn thuộc trách nhiệm của Bộ Y tế. Bộ Y tế từ khi có quyết định 212 năm 2005, được phân công trách nhiệm liên quan đến thực phẩm có nguồn gốc sinh vật biến đổi gen nhưng đến giờ đã 6 năm chẳng triển khai, động thủ, hướng dẫn gì cả. Vừa rồi Quốc hội ban hành Luật An toàn thực phẩm, Luật này sẽ có hiệu lực từ tháng 7/2011. Theo đó, Bộ NN-PTNT sẽ chịu trách nhiệm luôn việc quản lý mảng thực phẩm biến đổi gen. Chúng ta đang chờ nghị định rồi hướng dẫn sau nghị định cho Luật này từ đó Bộ mới ban hành thông tư để hiện thực hóa nó.

Quả thực hành lang pháp lý luôn đi chậm hơn so với nhu cầu của đời sống. Theo tôi tốt nhất nên dồn vào một đầu mối, một Bộ làm mới nhanh chứ vài Bộ cùng làm vừa chậm vừa khó đồng bộ. Muốn vậy phải thay đổi cả nghị định của Chính phủ.

PGS.TS. Phạm Văn Toản, nguyên Chánh Văn phòng

Chương trình công nghệ sinh học Nông nghiệp, Bộ NN-PTNT

Đấy là SX trong nước, còn những sản phẩm biến đổi gen nhập khẩu thì sao? Hiện có bị rào cản nào không?

Về khía cạnh thức ăn chăn nuôi cũng như thực phẩm biến đổi gen có nguồn gốc nhập khẩu theo nghị định 69, hễ 5 nước công nhận loại đó thì VN sẽ tự động công nhận. Vậy là tháng 7 tới khi Luật An toàn thực phẩm có hiệu lực, chúng ta sẽ có thể nhập đường đường chính chính thực phẩm biến đổi gen về. Doanh nghiệp nhập phải gửi hồ sơ đăng ký xác nhận sinh vật biến đổi gen làm thực phẩm đi kèm báo cáo đánh giá rủi ro, danh sách hồ sơ 5 nước công nhận gửi cho Bộ NN-PTNT. Trên cơ sở đó Bộ sẽ thành lập Hội đồng an toàn để đánh giá và chứng nhận, thời gian tối đa là 30 ngày nếu hợp lệ.

Đối với sản phẩm biến đổi gen nguồn gốc trong nước thì hơi khác. Những sản phẩm này trước đây vẫn phải hủy sau khi khảo nghiệm, giờ khi được Hội đồng của Bộ công nhận, sẽ dành làm thức ăn chăn nuôi. Còn chuyện nó có được làm thực phẩm cho người hay không vẫn phải chờ sau tháng 7.

Xin cảm ơn ông!

Thông tư số 23 của Bộ NN-PTNT công nhận tiến bộ kỹ thuật công nghệ sinh học đã có những cơ chế khá thoáng. Đối với TBKT công nghệ sinh học đăng ký là giống cây trồng, vật nuôi, vi sinh vật đã nằm trong danh mục được phép sản xuất, kinh doanh tại VN có chứa sự kiện chuyển gen đã được cấp giấy chứng nhận an toàn hoặc giấy xác nhận đủ điều kiện làm thực phẩm, thức ăn chăn nuôi được công nhận đặc cách trong thời gian 5 ngày từ lúc nhận hồ sơ.

 

Theo Báo Nông nghiệp VN