TP.HCM: Hội thảo quản lý bảo tồn đa dạng sinh học và an toàn sinh học

Ngày 7/7/2011 tại TP.HCM, Cục Bảo tồn đa dạng sinh học – Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT) đã tổ chức Hội thảo Tập huấn các nội dung quản lý bảo tồn đa dạng sinh học và an toàn sinh học nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về đa dạng sinh học (ĐDSH) và an toàn sinh học thông qua việc tuyên truyền, phổ biến các kiến thức trên các phương tiện thông tin đại chúng.

 

ĐDSH là sự phong phú của mọi cơ thể sống có từ tất cả các nguồn trong các hệ sinh thái trên cạn, dưới nước, ở biển và mọi phức hệ sinh thái mà chúng là một bộ phận cấu thành, bao gồm sự đa dạng trong các loài (đa dạng duy truyền – đa dạng gen), giữa các loài (đa dạng loài) và các hệ sinh thái (đa dạng hệ sinh thái). ĐDSH có vai trò quan trọng trong duy trì sự sống. Ngoài việc cung cấp nguồn nguyên liệu công nghiệp, lương thực thực phẩm, nhiều loại thuốc cho con người, chúng còn có thể làm ổn định hệ sinh thái nhờ sự tác động qua lại giữa chúng. ĐDSH còn có vai trò trong bảo vệ sức khỏe và tính toàn bộ của hệ sinh thái thế giới, lọc các chất độc tố, điều hòa khi hậu trái đất, điều chỉnh cung ứng nước ngọt…Nếu mất đi những loài hoang dại sẽ làm mất sự cân bằng sinh thái và ảnh hưởng đến con người, chất lượng của cuộc sống.

ĐDSH đã và đang bị suy giảm nhanh chóng, 50 năm qua rừng ngặp mặn giảm gần 3/4, rừng nguyên sinh chỉ còn 13% và rừng tái sinh 50%, 9 loài động vật quý hiếm trong sách Đỏ đã bị tuyệt chủng. Trong khi đó, xu hướng đe dọa ĐDSH vẫn tăng do buôn bán động vật hoang dã, đánh bắt mang tính hủy diệt, khai thác gỗ trái phép, phát triển cơ sở hạ tầng, các loài ngoại lai xâm hại, cháy rừng…Trước tình hình đó, Việt Nam đã xây dựng và ban hành tương đối đầy đủ hệ thống các văn bản pháp luật về quản lý, bảo tồn và sử dụng tài nguyên ĐDSH. Từ năm 1995 đến nay, khoảng 140 văn bản quy phạm pháp luật ở tầm quốc gia về bảo tồn ĐDSH đã được công bố, trong đó có những văn bản quan trọng như: Luật Bảo vệ môi trường (1993 và sửa đổi 1995), Luật Thủy sản (2003), Luật Đất đai (1998 và sửa đổi 2003), Luật Bảo vệ và Phát triển rừng (sửa đổi 2004), Luật Du lịch (2005), Pháp lệnh Thuế tài nguyên (1998), Pháp lệnh Giống cây trồng và Pháp lệnh giống vật nuôi (2004)… Đặc biệt là Luật ĐDSH (2008) có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2009. Luật này quy định về bảo tồn và phát triển bền vững ĐDSH; quyền và nghĩa vụ của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong bảo tồn và phát triển bền vững ĐDSH. Tuy nhiên, bảo tồn ĐDSH không chỉ là trách nhiệm của các nhà khoa học, các nhà quản lý mà còn là trách nhiệm của mỗi bản thân chúng ta. Mỗi người cần có hành động cụ thể và thiết thực để bảo tồn ĐDSH như: Không chặt phá rừng mà là trồng rừng và phục hồi rừng, không xả rác và các chất sinh hoạt bừa bãi, sử dụng các nguồn tài nguyên vật đạt hiệu quả cao, bảo vệ các loài sinh vật quý hiếm, kiểm soát và giảm tối thiểu các chất thải gây ô nhiễm môi trường…

Theo Cục Bảo tồn đa dạng sinh học